Straits Times dẫn lời Tiến sĩ Sebastian Maurer-Stroh, giám đốc điều hành Viện Thông tin Sinh học thuộc Cơ quan Khoa học Singapore, cho biết virus SARS-CoV-2 đã trải qua hơn 6.600 lần đột biến riêng biệt ở protein gai kể từ khi nó được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019.
Virus biến đổi bất cứ khi nào xảy ra "sai sót" trong quá trình sao chép. Điều này có thể dẫn đến việc thêm vào, xóa đi hoặc thay đổi bộ gen di truyền của virus. Nếu sai sót đó làm tăng khả năng sinh tồn của virus thì virus bản sao của những sai sót đó sẽ tồn tại lâu hơn, thậm chí áp đảo phiên bản ban đầu.
Ví dụ đột biến D614G bắt đầu lây lan mạnh hồi tháng 2 năm ngoái và giờ đây nó được phát hiện trong tất cả các mẫu virus cho dù đó là biến chủng nào. Đột biến này phổ biến đến mức nó được đặt tên theo nhóm riêng gọi là G. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, đột biến nhóm G làm tăng khả năng lây lan, truyền bệnh của virus, nhưng không có nghĩa độc tính của nó cao hơn, cũng như không làm ảnh hưởng đến việc chẩn đoán, điều trị và sử dụng vắc xin.
Trong nhóm phụ của nhóm G có nhóm GRY dùng được đặt tên cho biến chủng B.117 phát hiện ở Anh và nó chiếm ưu thế kể từ tháng 7 năm ngoái, thậm chí thay thế hoàn toàn chủng ban đầu xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là tại sao SARS-CoV-2 biến chủng nhiều như vậy, nhưng WHO chỉ phân loại ra 4 biến chủng "đáng lo ngại", gồm biến chủng phát hiện ở Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ, và một số biến chủng "đáng quan tâm".
Biến chủng thuộc nhóm "đáng lo ngại" được đánh giá là có khả năng lây lan cao hơn, hoặc độc lực cao hơn hoặc kháng vắc xin mạnh hơn, trong khi biến chủng thuộc nhóm "đáng quan tâm" có mức độ nghiêm trọng thấp hơn.
Tiến sĩ Maurer-Stroh lý giải, không phải tất cả các đột biến đều khiến virus biến đổi theo những hướng trên, do vậy, đa số biến chủng của virus không đáng lo ngại.
Thông thường, biến chủng chứa từ 5-15 đột biến. Sở dĩ, nhiều người gọi biến chủng B.1.617 ở Ấn Độ là biến chủng "đột biến kép" ngầm chỉ ra rằng biến chủng của Ấn Độ có chứa 2 đột biến chiếm ưu thế khiến nó dễ lây lan hơn, trong khi thực tế nó có nhiều hơn 2 đột biến.
Covid-19 khởi phát vào cuối năm 2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Dịch đã nhanh chóng lây lan và trở thành đại dịch toàn cầu. Đến nay, thế giới đã ghi nhận gần 160 triệu ca mắc, trong đó hơn 3,3 triệu người đã tử vong. Một tổ chức nghiên cứu của Mỹ mới đây ước tính, số ca tử vong thực tế có thể gấp đôi so với thống kê.
Sự xuất hiện của các biến chủng "đáng lo ngại" khiến nhiều quốc gia phải vật lộn với đợt bùng dịch nghiêm trọng chưa từng có. Trong khi Mỹ, tâm dịch lớn nhất thế giới, được cho là sắp kiểm soát được Covid-19 nhờ chương trình tiêm chủng, ở tâm dịch lớn thứ hai - Ấn Độ - tình hình vẫn chưa có nhiều khả quan. Mỗi ngày Ấn Độ ghi nhận hàng trăm nghìn ca mắc và hàng nghìn ca tử vong vì đại dịch. Một số nước ở châu Á cũng đang căng mình chống dịch.
(Theo Dân Trí)