Bộ Công Thương họp khẩn về tăng cường chống dịch tại khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/5/2021 | 9:36:29 PM

Ngày 13/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên triệu tập cuộc họp khẩn tại đầu cầu Hà Nội, kết nối trực tuyến 63 tỉnh thành, nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong các cơ sở công nghiệp và thương mại; bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu.

Bộ Công Thương họp khẩn với 63 tỉnh thành về phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Công Thương họp khẩn với 63 tỉnh thành về phòng, chống dịch COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp. Trong đợt dịch thứ 4 này, trọng điểm chống dịch của cả nước tập trung vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy sản xuất kinh doanh, các cơ sở sản xuất, các trung tâm thương mại, chợ truyền thống... Đây là những nơi tập trung đông lao động nhất cả nước.

Việt Nam hiện có gần 400 khu công nghiệp đã thành lập, 30 khu kinh tế cửa khẩu, 20 khu kinh tế ven biển, tổng lao động trực tiếp ở các khu này là gần 4 triệu lao động. Trong khi đó, khu vực thương mại có 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại, gần 9.000 chợ với các hộ kinh doanh cá thể, 600.000 nhà hàng. Đối với cụm công nghiệp, có 700 cụm và khoảng 600.000 lao động. Đây là những nơi tập trung đông người, nhưng vẫn bắt buộc phải hoạt động sản xuất, nếu không sẽ dẫn đến việc bị đứt gãy nền kinh tế.

Bộ Công Thương đã liên tục có các văn bản đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19 tại các cơ sở sản xuất công nghiệp và chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Song, theo báo cáo của Bộ Y tế, các địa phương chưa quan tâm đúng mức tới việc triển khai Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19.

Mặc dù công tác chỉ đạo hướng dẫn bằng văn bản đầy đủ, nhưng triển khai thực tế chưa nghiêm túc; các vi phạm xử lý chưa nghiêm; ý thức phòng chống dịch của chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh, ban quản lý khu công nghiệp… chưa tốt, còn tình trạng người lao động bị ho sốt vẫn cho vào dây chuyền sản xuất. Người lao động vẫn còn tụ tập đông người sau giờ làm việc...

Chính vì vậy, tại nhiều khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh đã xuất hiện ca nhiễm dịch COVID-19. Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, nếu không phòng chống dịch tốt tại các cơ sở kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp… thì sẽ không thể thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc tăng cường đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ trọng yếu để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc chỉ đạo, quán triệt các văn bản của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trong việc thực hiện nghiêm các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19  tại các cơ sở công nghiệp và thương mại trên địa bàn. 

Tinh thần chỉ đạo của Trung ương trong phòng, chống COVID-19 là phương châm "4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Trong đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu của mỗi cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp này. Như vậy, các Giám đốc Sở Công Thương, Cục trưởng Cục quản lý thị trường, người đứng đầu của các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ phải chịu trách nhiệm trong phòng, chống dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị lãnh đạo các khu kinh tế, khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khách sạn, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn phải có cam kết bằng văn bản và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cấp trên trực tiếp về những nhiệm vụ, giải pháp trong phạm vi mà mình được giao.

Từng địa phương và từng đơn vị cần xây dựng kịch bản và có phương án cách ly, xử lý khi có trường hợp mắc hoặc là có nhiều trường hợp mắc, lây lan diện rộng trong các khu công nghiệp, các khu thương mại và cần thiết thì tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp, khu thương mại. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ thông tin người lao động ngoại tỉnh về làm việc tại các khu, cụm công nghiệp ở địa phương…

Không có tình trạng găm hàng, tăng giá trục lợi

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh do tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của hệ thống phân phối, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ. Tại các địa phương có dịch bệnh, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường. Các địa phương đều chủ động triển khai các kế hoạch có sẵn về phòng, chống COVID-19.

Tại địa bàn Hà Nội, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã xây dựng các phương án chi tiết về việc cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân thủ đô và hỗ trợ các tỉnh, thành phố giải tỏa lượng hàng sản xuất ra. Lượng hàng hóa dự kiến chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng/ 2021 khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng. Sở Công Thương Hà Nội xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo 3 cấp độ.

Tại các địa phương khác như TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Cà Mau, Hải Dương, Yên Bái, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

(Theo Tin tức)

Các tin khác
Các y, bác sĩ Đội xét nghiệm và Đội phản ứng nhanh Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái thực hiện truy vết, xét nghiệm sàng lọc COVID- 19.

Đến 18h00 ngày 13/5/2021, Yên Bái không ghi nhận F1, F2 mới. Đã có 13 trường hợp vi phạm quy định phòng, chống COVID-19 bị lực lượng chức năng xử phạt tổng số tiền 19,5 triệu đồng.

Ông Đỗ Đức Duy (áo trắng, giữa) chỉ đạo công tác chống dịch tại huyện Trấn Yên.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy đã hơn một lần nhắc đến cụm từ "ý thức người dân" bằng thái độ trân trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại Bệnh viện Y Dược TP HCM chiều 13/5. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định sự mất cảnh giác, chủ quan là một trong những nguyên nhân khiến Covid-19 xâm nhập một số bệnh viện hiện nay.

Ảnh minh họa

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID - 19 tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát trong cơ quan, đơn vị và trên địa bàn các trường hợp có đi đến các địa điểm thuộc các địa phương: Hòa Bình, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục