Thế giới đã ghi nhận 177.006.581 ca nhiễm nCoV và 3.826.825 ca tử vong, tăng lần lượt 290.173 và 6.073, trong khi 161.190.856 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Biến chủng Delta của Ấn Độ đã xuất hiện ở 74 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, các nước châu Phi, bán đảo Scandinavia và khu vực Thái Bình Dương. Sự bùng phát của chủng Delta khiến nhiều người lo ngại chúng có vẻ dễ lây lan và nguy hiểm hơn.
Scott Gottlieb, cựu lãnh đạo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). cho biết các ca nhiễm biến thể Delta ở Mỹ đang tăng gấp đôi hai tuần một lần và chiếm khoảng 10% số ca mới. Trong khi ở Anh, tỷ lệ nhiễm biến chủng này chiếm hơn 90% số ca nhiễm mới. Ở những nước có hệ thống giám sát kém hơn, nhiều người cho rằng biến thể có thể đã lan rộng hơn những gì được báo cáo.
Ashish Jha, hiệu trưởng trường y tế cộng đồng thuộc Đại học Brown ở Mỹ, tuần trước gọi Delta là "biến chủng dễ lây lan nhất mà chúng tôi từng thấy cho đến nay".
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Delta là biến thể đáng quan tâm vào tháng 4 và nâng cấp thành biến thể đáng lo ngại vào 11/5. Nhiều bằng chứng từ Ấn Độ và các nơi khác cho thấy người nhiễm biến thể này xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn, như đau dạ dày, buồn nôn, chán ăn, mất thính giác và đau khớp.
Đặc biệt ở Quảng Châu, Trung Quốc, quan chức y tế cho biết 12% người nhiễm biến thể Delta xuất hiện triệu chứng nặng hoặc nghiêm trọng chỉ trong 3-4 ngày kể từ khi bắt đầu có triệu chứng, nhanh hơn 4 lần so với các đợt bùng phát trước. Đồng thời, người nhiễm biến thể này cũng lây cho nhiều người hơn.
Một nghiên cứu mới của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) chi ra hai liều vaccine cho "hiệu quả cao" ngăn nguy cơ nhập viện vì nhiễm biến thể Delta. Theo PHE, hai liều vaccine Pfizer đã cho thấy hiệu quả tới 96%, trong khi hiệu quả của hai liều AstraZeneca là 92%.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.332.717 ca nhiễm và 615.232 ca tử vong do nCoV, tăng 8.360 ca nhiễm và 171 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Tại hội nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels ngày 14/6, Tổng thống Joe Biden thừa nhận quá nhiều người đã tử vong vì Covid-19 dù phần lớn nước Mỹ đang trở lại bình thường.
"Chúng tôi đã đạt được những tiến bộ lớn ở Mỹ. Phần lớn đất nước đang trở lại bình thường và tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng tôi dẫn đầu thế giới, trong khi số ca nhiễm và tử vong giảm đáng kể", Biden nói. "Trung bình 7 ngày qua, chúng tôi vẫn ghi nhận 370 người chết mỗi ngày. Con số này thấp hơn rất nhiều so với đỉnh điểm cuộc khủng hoảng, nhưng vẫn là một thảm kịch thực sự".
Tổng thống Biden tiếp tục kêu gọi người dân Mỹ tiêm vaccine sớm nhất có thể.
14 bang đã đạt mục tiêu 70% người trưởng thành tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 trước ngày 4/7 của Tổng thống Biden, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ngày 14/6.
New York là bang mới nhất đạt ngưỡng này, cùng với California, Connecticut, Hawaii, Maine, Maryland, Massachusetts, New Hampshire, New Jersey, New Mexico, Pennsylvania, Rhode Island, Vermont và Washington. Thủ đô Washington cũng đã tiêm phòng cho ít nhất 70% dân số trưởng thành.
Hơn 174 triệu người Mỹ, khoảng 52,5% tổng dân số, đã tiêm ít nhất một liều vaccine và gần 145 triệu người, khoảng 43,7%, hoàn thành chương trình tiêm chủng. 311 triệu liều vaccine đã được sử dụng ở Mỹ, chiếm khoảng 83% trong tổng số 374 triệu liều được phân phối. Trung bình 7 ngày qua, Mỹ tiêm chủng khoảng 1,1 triệu liều mỗi ngày.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 29.570.035 ca nhiễm và 377.061 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 62.597 và 1.452 ca.
Nhiều bang ở Ấn Độ bắt đầu nới phong tỏa từ ngày 14/6, trong đó có thủ đô New Delhi, nơi giới chức cho phép tất cả cửa hàng và trung tâm thương mại mở cửa. Quyết định này được đưa ra khi số ca nhiễm mới ở Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai tháng qua, từ mức 400.000 ca mới mỗi ngày xuống còn 60.000 -70.000 trong những ngày qua.
Đền Taj Mahal bắt đầu mở cửa đón khách trở lại vào tuần này, sau hai tháng đóng cửa vì Covid-19. Chính phủ cho biết nhiều địa điểm lịch sử khác, như Red Fort ở New Delhi và hệ thống hang động Ajanta ở bang Maharashtra sẽ mở cửa lại từ ngày 16/6.
Anh, vùng dịch thứ 7 thế giới, ghi nhận 7.742 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 4.573.419 và 127.907 ca.
Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson ngày 14/6 thông báo trì hoãn mở cửa thêm 4 tuần trước làn sóng lây lan mạnh của biến thể Delta. Thay vì ngày 21/6 như kế hoạch ban đầu, Anh sẽ dỡ các hạn chế vào ngày 19/7 để có thêm thời gian tiêm chủng cho người dân.
Với thông báo mới, các quán rượu và dịch vụ khách sạn sẽ tiếp tục bị hạn chế phục vụ tại nơi và phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Rạp hát và địa điểm giải trí chỉ được hoạt động 50% công suất, trong khi hộp đêm vẫn phải đóng cửa.
Đức đã báo cáo 3.724.201 ca nhiễm và 90.527 ca tử vong vì Covid-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 907 và 57 trường hợp mới trong 24 giờ qua.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 14/6 cho biết các bang có thể tùy chỉnh quy định đeo khẩu trang theo tình hình địa phương, khi số ca nhiễm trung bình của nước này giảm xuống dưới 1.000 ca mỗi ngày.
"Với tỷ lệ nhiễm đang giảm xuống, chúng ta nên tiến hành theo từng giai đoạn. Bước đầu tiên, quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở khu vực ngoài trời có thể được bỏ", ông nói.
Đức gần đây đã mở cửa lại nhà hàng, quán bia và dịch vụ ăn uống ngoài trời khác. Nhiều bang cũng bắt đầu mở cửa dịch vụ ăn uống trong nhà, nhưng chỉ dành cho người đã tiêm chủng hoặc có xét nghiệm âm tính. Du khách hiện có thể tới tham quan các bảo tàng.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.919.547 ca nhiễm, tăng 8.189, trong đó 53.116 người chết, tăng 237.
Indonesia lo ngại dịch đạt đỉnh điểm vào tháng 7, giữa lúc nhiều bệnh viện ở thủ đô Jakarta đã hoạt động hết 75% công suất. Biến thể Delta đã lan rộng và gây ảnh hưởng nhiều hơn ở khu vực Jakarta cùng nhiều vùng khác ở Java.
"Thủ đô cần được quan tâm nhiều hơn. Nếu tình hình mất kiểm soát, chúng ta có thể bước vào giai đoạn nguy cấp", Thống đốc Jakarta Anies Baswedan nói.
Chính phủ dự kiến tăng công suất bệnh viện lên 40% và trưng dụng nhiều khách sạn thành trung tâm cách ly. Indonesia đã ghi nhận 10.000 ca nhiễm vào ngày 13/6, mức cao nhất kể từ tháng 2.
Thái Lan, báo cáo 3.355 ca nhiễm mới và 17 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên lần lượt 199.264 và 1.466 trường hợp kể từ khi dịch bùng phát.
Hàng chục bệnh viện ở thủ đô Bangkok của Thái Lan hôm nay thông báo lùi lịch tiêm vaccine Covid-19 được đặt trước, trong khi ứng dụng đặt lịch tiêm của Bangkok cũng gửi tin nhắn cho biết những buổi tiêm sau ngày 15/6 sẽ bị hoãn, trong bối cảnh giới tìm cách trấn an công chúng về nguồn cung vaccine.
Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang cho biết có "một số sự cố kỹ thuật" trong quá trình bàn giao vaccine và thành phố đã thông báo cho những người đặt lịch tiêm từ ngày 15-21/6.
(Theo VnExpress)