Châu Âu chính thức áp dụng “hộ chiếu vắc xin”: Vẫn cần những giải pháp bền vững

  • Cập nhật: Thứ bảy, 3/7/2021 | 8:31:09 AM

Chứng chỉ Covid-19, hay còn gọi là “hộ chiếu vắc xin”, đã chính thức được Liên minh châu Âu (EU) áp dụng từ ngày 1-7-2021.

Đã có 21 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu chấp nhận “hộ chiếu vắc xin”.
Đã có 21 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu chấp nhận “hộ chiếu vắc xin”.

Đây được xem là giải pháp tạm thời nhằm giúp cho việc đi lại của người dân được thuận lợi hơn, từ đó mở ra cơ hội phục hồi nền kinh tế cho các nước thành viên. Tuy nhiên, để có được kết quả như mong đợi, Lục địa già vẫn cần tính đến những giải pháp căn cơ, bền vững...

Chứng chỉ Covid-19 của EU là mã QR lưu trên điện thoại thông minh hoặc bản cứng trên giấy nhằm chứng minh cá nhân được cấp là người đã tiêm một trong các loại vắc xin được EU chấp thuận, người đã hồi phục sau khi mắc Covid-19, hoặc người có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước đó. Kể từ ngày 1-7, người mang chứng chỉ có thể tự do di chuyển khắp châu Âu. EU cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên mở rộng sử dụng chứng chỉ này cho các hoạt động xã hội khác, như đi xem hòa nhạc, lễ hội...

Được áp dụng đúng thời điểm bước vào kỳ nghỉ hè sau hơn một năm chống chọi với đại dịch, "hộ chiếu vắc xin” được các nước châu Âu chào đón mạnh mẽ, với kỳ vọng không chỉ đưa cuộc sống tại Lục địa già trở lại bình thường, mà còn vực dậy các nền kinh tế thành viên vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch. Hai năm sau khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành "công nghiệp không khói” - vốn đóng góp khoảng 10% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của EU và chiếm 12% tổng số việc làm của khối - đã rơi vào tình trạng hỗn loạn, không lối thoát. Nhiều hãng du lịch, lữ hành đối mặt nguy cơ phá sản, trong khi hàng chục triệu việc làm bị mất. Tại Italia, riêng năm 2020, ngành Du lịch (vốn chiếm 13% GDP) đã bị thiệt hại hơn 84,4 tỷ USD.

Mặc dù "hộ chiếu vắc xin” có nhiều ưu điểm nhưng quá trình triển khai cũng vấp phải không ít trở ngại. Ngay tại các sân bay của châu Âu, việc lắp đặt trang thiết bị để đọc mã QR chưa hoàn thiện. Nhiều hãng hàng không quan ngại về khả năng xảy ra ùn ứ tại sân bay vì hành khách phải xếp hàng chờ đợi quét mã QR. Quá trình xác minh cho hành khách tại các sân bay vẫn được thực hiện thủ công nên có nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) Rafael Schwartzman, thời gian điều hướng sân bay cho một chuyến bay hiện tại đã mất gấp đôi thời gian so với trước đại dịch. Giải quyết những thách thức này không dễ, bởi mỗi nước EU không những phải hoàn thiện cơ chế quản lý dữ liệu y tế, thiết lập hệ thống cấp và duyệt mã QR trong nội bộ, mà còn cần đồng bộ hệ thống với các quốc gia khác.

Mặt khác, nhiều quốc gia ngoài EU thờ ơ với "hộ chiếu vắc xin” cũng sẽ là rào cản lớn đối với việc ra vào châu Âu. Bên kia Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí đã bác bỏ kế hoạch thực thi "hộ chiếu vắc xin”. Một số bang của xứ Cờ hoa như Texas, Florida... còn cấm hoàn toàn chứng chỉ này do lo ngại ảnh hưởng tới quyền tự do cá nhân. Tại châu Á, nhiều nước mới chỉ thí điểm chứng chỉ tiêm phòng, chưa triển khai trên diện rộng.

Giới quan sát đánh giá cao những lợi ích từ việc sử dụng "hộ chiếu vắc xin”. Dù vậy, cũng có nhiều người lo lắng về nguy cơ bất bình đẳng mà chứng chỉ này có thể gây ra. Theo các chuyên gia y tế, biến chủng Delta của vi rút SARS-CoV-2 có thể khiến kỳ vọng của châu Âu không được như ý, bởi tốc độ lây nhiễm cực nhanh có thể dẫn tới việc phải ngừng áp dụng khẩn cấp "hộ chiếu vắc xin”. 

Có thể thấy, những ích lợi trước mắt mà "hộ chiếu vắc xin” mang lại cho châu Âu là không thể phủ nhận, tuy nhiên đây không phải là giải pháp lâu dài và bền vững. Do đó, Lục địa già cần tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực hướng tới phổ cập vắc xin toàn dân.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Thêm một ca lây nhiễm trong cộng đồng có liên quan đến chợ Vinh

Sáng nay (3/7), Nghệ An cho biết, từ hôm qua đến nay, địa phương có thêm 6 ca dương tính nCoV, trong đó một ca phát hiện lây nhiễm trong cộng đồng.

Sáng 3/7, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tổ chức tiếp nhận 575 người lao động từ Bắc Giang trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã hoàn thành cách ly đủ 14 ngày tại các cơ sở cách ly tập trung của tỉnh.

Singapore đang có kế hoạch để coi Covid-19 như một loại bệnh ít đe dọa hơn, giống như bệnh cúm.

Singapore đang có kế hoạch để coi Covid-19 như một loại bệnh ít đe dọa hơn, giống như bệnh cúm và không còn gây ra tình huống làm tê liệt cuộc sống bình thường.

Ảnh minh họa.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, đơn vị hiện có hàng chục nghìn lao động trực tiếp làm công tác vận hành chạy tàu đi qua 34 tỉnh/thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục