Chiều 14/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Tham dự có đại diện các Bộ - ngành liên quan.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, sau 6 ngày triển khai giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều vấn đề lúng túng ban đầu đã được khắc phục; công tác xét nghiệm đã bài bản hơn, góp phần quan trọng trong truy vết, điều tra dịch tễ. Các phần mềm hỗ trợ công tác phòng chống dịch cũng được xây dựng và sẵn sàng triển khai.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về sự nỗ lực của Thành phố để tổ chức lại đời sống, sinh hoạt cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội, nhất là đảm bảo cung ứng hàng hóa và hỗ trợ kịp thời các đối tượng khó khăn. Trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện tại, không thể đáp ứng nhu cầu như bình thường, Thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng Thành phố.
Bên cạnh đó, việc lưu thông của người dân trong Thành phố và với bên ngoài cũng cần được xem xét, điều chỉnh thêm để không bị ách tắc. Theo Phó Thủ tướng, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên ứng dụng hệ thống phần mềm QR code nhận diện phương tiện ưu tiên ra/vào Thành phố. Điều này rất tốt nhưng chống dịch cần phải là hệ thống đồng bộ, liên tỉnh mới thật sự hiệu quả. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành rà soát, nghiên cứu chuyển đổi sang phần mềm dùng chung.
Về vấn đề này, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc liên thông hệ thống mã QR của TP Hồ Chí Minh và hệ thống đang triển khai trên cả nước sẽ hoàn thành trong vòng 48 giờ. Sau khi liên thông, hệ thống QR Code cần triển khai mở rộng tại các điểm công cộng để tăng hiệu quả.
Phó Thủ tướng lưu ý, ngoài những doanh nghiệp (DN) thực hiện "3 tại chỗ”, "hai điểm, một con đường”, Thành phố cần nghiên cứu, xem xét các phương án cho DN sản xuất trở lại từng phần căn cứ trên diễn biến dịch bệnh.
Cùng với những chấn chỉnh trong công tác cách ly, điều trị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý công tác thông tin, truyền thông về tình hình dịch bệnh của TP Hồ Chí Minh không chỉ thông báo số ca mắc mà phải phân tích đầy đủ nguyên nhân, xu hướng các ổ dịch,… để người dân thêm lòng tin vào những giải pháp đang thực hiện cũng như những gì mỗi người cần làm để giữ được kết quả chống dịch.
Thông tin tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, từ 6 giờ ngày 13/7 đến 6 giờ ngày 14/7, TP Hồ Chí Minh ghi nhận có 2.044 ca nhiễm. Trong đó phần lớn ở khu cách ly, khu phong tỏa; 170 trường hợp phát hiện từ tầm soát cộng đồng.
Hiện nay, Thành phố đã thành lập và chuẩn bị đưa vào hoạt động Bệnh viện (BV) hồi sức COVID-19 với quy mô 1.000 giường hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại cơ sở 2 BV Ung Bướu Thành phố. Đội ngũ y bác sĩ của BV được tăng cường từ BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định và BV Ung bướu.
BV hồi sức COVID-19 được trang bị trang thiết bị hiện đại, phòng bệnh rộng rãi, thông thoáng. TP cũng đang chuẩn bị thêm các điều kiện để khi cần thiết có thể tăng công suất, đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân.
Về công tác lấy mẫu xét nghiệm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết đang được triển khai đúng hướng; tập trung có trọng tâm, trọng điểm ở những nơi có nguy cơ cao; sự vận hành, phối hợp từ TP đến các quận - huyện, TP Thủ Đức đã đồng bộ, hài hòa hơn; việc trả kết quả xét nghiệm đảm bảo đúng thời hạn (mẫu đơn trong vòng 12 tiếng và mẫu gộp trong vòng 24 tiếng).
Việc cung ứng hàng hóa đã khắc phục được tình trạng khan hiếm cục bộ và khắc phục tình trạng chậm trễ khi giao các đơn hàng online. UBND Thành phố đã giao Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá đột biến. Thành phố cũng thành lập các đội ứng cứu nhanh để tiếp nhận và giải đáp kịp thời các kiến nghị, phản ánh của người dân trên địa bàn từng quận, huyện, TP Thủ Đức.
Sau 9 ngày triển khai chính sách hỗ trợ, Thành phố đã hỗ trợ cho gần 131.000 người lao động tự do với tổng số tiền gần 196 tỷ đồng, trong đó có khoảng gần 9.000 người bán vé số, đạt 57% kế hoạch.
Về tình hình hoạt động doanh nghiệp, bắt đầu từ 0 giờ ngày 15/7 cho đến khi có thông báo mới, các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ); các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm "1 cung đường - 2 địa điểm" thì được phép tiếp tục sản xuất; còn lại phải tạm ngừng hoạt động.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh, hiện nay ngành Y tế Thành phố đang rất nỗ lực trong công tác điều trị, ngăn chặn các ca tử vong. Lúc này cần phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, trong đó có việc tuyên truyền sâu rộng các thông tin chính thống về các quy định phòng, chống dịch của Thành phố cũng như các kết quả Thành phố đã làm được để người dân biết, yên tâm, tin tưởng và chủ động đấu tranh với các thông tin tiêu cực, sai lệch, kích động gây hoang mang dư luận./.