Thống kê đến nay, tỉnh Bình Dương có hơn 2.000 ca mắc COVID-19. Với mức độ phát hiện các ca dương tính trung bình mỗi ngày khoảng 100 trường hợp, trong đó, đa số là ca mắc trong cộng đồng. Dự báo, trong những tuần tới, khi thực hiện các biện pháp xét nghiệm trên diện rộng thì số ca mắc được phát hiện ở Bình Dương có thể lên đến 5.000-7.000 ca.
Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch bệnh tại Bình Dương còn diễn biến khó lường, số ca mắc tăng nhanh, với nguyên nhân đầu tiên là do tính chất phức tạp của virus biến chủng Delta. Đây là biến chủng có khả năng lây lan rất nhanh, nhất là khi tiếp xúc gần. Trong khi đó, Bình Dương mật độ dân số đông, có nhiều nhà máy và khu nhà trọ đan xen.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở Bình Dương vẫn chưa thực sự nghiêm túc, mật độ người dân ra ngoài vẫn đông, một số cửa hàng không thiết yếu vẫn mở cửa.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khuyến nghị: "Ngay lập tức thực hiện nghiêm nhất việc giãn cách xã hội; tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp không tuân thủ quy định giãn cách phòng chống dịch. Cần nâng cao vai trò sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong phòng chống dịch bệnh, quy trách nhiệm nếu để dịch bệnh lây lan ở địa phương, đơn vị mình phụ trách”.
GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cũng nhận định, Bình Dương là nơi có những nhà máy lớn với hàng chục ngàn công nhân nên nếu có ca bệnh thì tốc độ lây lan sẽ rất nhanh. Tuy nhiên, hiện công tác khoanh vùng, xét nghiệm của địa phương còn chậm. Chính vì vậy, Bình Dương cần phải đặt ra tiêu chí phát hiện 1 ca F0 thì trong vòng 1 tiếng đồng hồ phải khoanh vùng, cách ly được hết F1. Sau đó, triển khai việc lấy mẫu xét nghiệm và trong vòng 4-6 tiếng phải có kết quả để chuyển trả cho đơn vị tiếp tục truy vết, thực hiện các bước tiếp theo. Để làm được điều đó, Bình Dương phải phân nhóm xét nghiệm F1, F2, mẫu gộp cộng đồng.
"Tránh dồn hết tất cả vào 1 đơn vị, bởi khi dồn hết vào 1 đơn vị xét nghiệm nhưng với công suất chưa tương xứng với mong muốn thì luôn luôn lấy cái mẫu cũ xét nghiệm. Có thể có những cái quá cũ, chúng ta phải cắt đứt đoạn để tính lại kế hoạch nhưng đảm bảo tính nhanh của các xét nghiệm”, GS.TS Phan Trọng Lân nói.
Không thể giao hết cho cơ sở
Có thể nói, qua 3 làn sóng dịch COVID-19, không chỉ các địa phương trong cả nước mà Bình Dương cũng đã chuẩn bị các kế hoạch phòng dịch nhưng sự bùng phát một cách khó lường của dịch bệnh lần này nằm ngoài dự tính. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng thừa nhận, dù đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào việc chống dịch bệnh, song thực tế thì các ca mắc COVID-19 vẫn tăng nhanh.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của ngành y tế Bình Dương còn thiếu, sự phối hợp giữa các đơn vị trong tỉnh vẫn chưa nhịp nhàng. Nguồn kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch do cơ chế và việc tham mưu chưa đến nơi đến chốn nên chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế.
TS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, mới đây Bình Dương đã được Bộ Y tế chi viện cho 350 giảng viên, sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, phần nào tháo gỡ khó khăn về nhân lực. Bình Dương cũng đã có những thay đổi trong công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng trong đợt cao điểm để nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương cho biết thêm: "Địa phương sắp có 12-13 máy RT-PCR, với năng lực xét nghiệm 5.000 mẫu đơn/ngày. Chúng tôi cũng đã ký hợp đồng xã hội hóa với Tổng Công ty Becamex IDC (đơn vị tài trợ), Công ty xét nghiệm Việt Á và Sở Y tế để họ có thể chạy 10.000-30.000 mẫu gộp/ngày (tương ứng với 100.000-300.000 dân được lấy mẫu/ngày). Chúng tôi đã nâng rất nhiều về năng lực xét nghiệm”.
Để ngăn chặn và phát hiện nhanh nhất các nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, lãnh đạo tỉnh Bình Dương khẳng định, sẽ chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh cũng sẽ có một tiểu ban hậu cần lo việc mua sắm thiết bị y tế. Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương lưu ý, lãnh đạo các địa phương phải chỉ huy, chủ động bám sát cơ sở và doanh nghiệp sản xuất; phát huy hơn nữa vai trò tổ COVID-19 cộng đồng, đồng thời phải thực hiện vai trò giám sát trong công tác chống dịch.
"Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, lực lượng công an, quân sự, dân quân tổ chức tuần tra 24/24 từ tỉnh xuống huyện, xuống cơ sở. Không thể giao hết cho cơ sở và tỉnh không tham gia để tổ chức lực lượng có hiệu quả chứ không phải là con số”, ông Lợi khẳng định.
Rõ ràng, để dịch bùng phát mạnh trong thời gian qua, Bình Dương cũng phải xem lại những hạn chế, tồn tại. Song song đó thực hiện mạnh mẽ các chỉ thị về phòng dịch, xử lý nghiêm các trường hợp còn lơ là, chủ quan. Đối với mỗi người dân, công nhân lao động không nên coi việc phòng, chống lây lan dịch là việc của các cấp, các ngành mà của chính bản thân mình. Có như vậy mới mong rằng dịch bệnh sớm được khống chế./
(Theo VOV)