Tôi là điều dưỡng viên làm tại một bệnh viện chuyên khoa ở TP.HCM. Khi bệnh viện chuyển đổi công năng để điều trị COVID-19, tôi bắt đầu những ngày xa nhà, xa gia đình và con cái, chung sức cùng đồng nghiệp chống dịch.
Câu chuyện tuần đầu khi bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.
Ngày thứ nhất, các bạn từ các đơn vị trong bệnh viện chuyển về khoa mới, mỗi người một việc, chia nhau phụ vệ sinh nhà cửa, chuẩn bị giường chiếu cho bệnh nhân. Chúng tôi làm nhiệm vụ của mình, chỉ có điều dưỡng hộ lý cùng làm vệ sinh và cùng khênh giường (do chuyển đổi công năng khu này không có sẵn giường).
Công việc chưa kịp hoàn thành bỗng nghe tin nhận bệnh vô. Mọi người vội chọn một vị trí đã sắp xếp ổn định đón bệnh nhân. Và bệnh nhân tiếp nối bệnh nhân, liên tục. Cuộc chiến mới bắt đầu. Công việc cuốn chúng tôi đi, xếp lại mọi việc khác, chuyên chú lo cho bệnh nhân COVID-19.
Một quy trình làm việc mới được xây dựng, khác hẳn công việc thường ngày, có những việc chúng tôi chưa từng làm.
Đầu tiên là việc có một số điện thoại nóng để bệnh nhân gọi, tiếp nhận đủ những thắc mắc, yêu cầu. 1.001 câu hỏi liên tục 24/24 giờ. Đồng nghiệp chúng tôi cùng rèn tính nhẫn nại hết mực với công việc này.
Bệnh nhân không hiểu nên hỏi, chúng tôi hướng dẫn xong đến người khác hỏi tương tự, phận sự của mình, chúng tôi luôn cố gắng. Nhưng nhiều khi thật buồn với các kiểu yêu cầu khó có thể đáp ứng, giải thích có khi bị trách mắng vô chừng.
Lắm lúc đồng nghiệp tôi tâm tình: sao nhiều người đi trị bệnh nhưng nghĩ mình đi ở khách sạn không bằng. Kiểu như "Nóng quá, phòng có máy lạnh sao không mở?", chúng tôi chỉ nói bạn mở cửa sổ ra, mở quạt trần thôi.
"Chị ơi, muỗi nhiều quá!", mình chỉ có thể động viên: "Bạn thông cảm đi, mình cũng nằm nghỉ không màn dưới đây cũng bị muỗi đốt nè".
Điện thoại reo liên tục, không ít người nghĩ chúng tôi là nhân viên căng tin, khi thì gọi "mang cho tôi bình nước uống 5 lít", khi nhờ mua giùm trái cây còn dễ chịu, có những kiểu phàn nàn thật khó đáp lời.
Nỗi sợ khi chuông điện thoại reo ám ảnh nhân viên y tế, hầu như chừng 5 phút một cuộc gọi. Do không có lực lượng hậu cần, mọi việc đều do điều dưỡng viên thực hiện. Những cuộc gọi không kể ngày đêm, lúc nào nhân viên y tế cũng hồi hộp khi chuông reo.
Sau một tuần, bệnh viện quy định giờ mua đồ của bệnh nhân, thời gian còn lại, đường dây nóng chỉ dùng cho việc thăm khám của bác sĩ và những trao đổi về tình trạng sức khỏe thôi.
Rồi chuyện tiếp tế đồ trong khu chăm sóc cách ly vốn đã được Nhà nước cho chế độ ăn nhưng họ rất muốn người nhà gửi thêm đồ vào. Nhân viên y tế lại là người ra nhận từ bảo vệ và chuyển lại cho bệnh nhân.
Nhà nhà cùng gửi, người bên trong nôn nóng khi thân nhân báo đã gửi ngoài cổng sao chưa ai trao về phòng cho bệnh nhân. Có những người cứ ít phút lại gọi hỏi sao chưa giao hàng. Chúng tôi lại giải thích vui lòng đợi, bởi chúng tôi làm nhiều việc trong ca trực, khoảng 2 - 3 tiếng sẽ gom hết đồ tiếp tế gửi về phòng một lượt.
Bệnh nhân nhập vô ngày càng nhiều, có khi 20 người cùng lúc. Bệnh nhân hối, nhân viên chuyển tới hối, chúng tôi chỉ có 4 điều dưỡng, chúng tôi đã cố hết sức rồi...
Xin người đang cách ly kiên nhẫn và cảm thông cho chúng tôi. Mong mọi người ngoài kia, 5K và ở nhà vì chúng tôi, những người chưa biết ngày nào về bên gia đình mình.
Thêm một ngày mới, những thắc mắc, phàn nàn các kiểu, nghĩ cách khác lạc quan hơn, tức là F0 của chúng tôi còn khỏe.
Vì sức khỏe bệnh nhân, chúng tôi lại bước qua mệt nhọc. Chỉ mong mình được khỏe để tiếp tục. Phía trước công việc đang chờ…
(Theo Tuổi trẻ)