Hãng thông tấn Kyodo trích dẫn thông cáo từ Bộ Tài chính Nhật cho biết, một lái xe của Bộ trưởng Tài chính Taro Aso được chẩn đoán dương tính với virus corona chủng mới, buộc ông Aso phải tự cách ly tại nhà. Quan chức này hiện chưa bộc lộ triệu chứng bệnh nhưng đã được làm xét nghiệm PCR và dự kiến nhận kết quả trong ngày 7/8.
Với số ca nhiễm mới trong ngày tăng cao kỷ lục, lên tới 15.645 người hôm 6/8, tổng số ca mắc tại Nhật kể từ đầu dịch hiện đã vượt mốc 1 triệu người, làm lu mờ thành công ban đầu của đất nước mặt trời mọc trong việc khống chế dịch.
Tuy nhiên, theo Reuters, nước này vẫn có số ca trung bình trên dân số thấp nhất trong các nước công nghiệp phát triển thuộc nhóm G7, không đầy 1/10 của Mỹ và 1/5 của Đức.
Số ca mắc mới đã tăng thêm tới 144.000 trường hợp kể từ khi Thế vận hội Olympic Tokyo khai mạc ngày 23/7. Song, Thủ tướng Yoshihide Suga tái khẳng định, ông không nghĩ sự kiện thể thao này góp phần làm gia tăng số ca bệnh.
Tokyo hôm 6/8 ghi nhận thêm 4.515 ca nhiễm mới, cao thứ hai so với kỷ lục 5.042 ca một ngày trước đó. Cùng thời gian, tỉnh láng giềng đông dân Kanagawa cũng chứng kiến số ca bệnh tăng vọt lên 2.082 người, tăng ấp 4 lần trong không đầy 2 tuần. Số ca mắc mới ở Osaka, thành phố lớn nhất nước ở phía tây cũng tăng lên mức kỷ lục 1.310 người, ám chỉ virus đang lây lan nhanh ra ngoài thủ đô.
Bất chấp diễn biến dịch phức tạp, Thủ tướng Suga tỏ ra thận trọng khi đề cập tới khả năng mở rộng sắc lệnh khẩn cấp nhằm khống chế dịch ra toàn quốc. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, cuộc khủng hoảng sức khỏe ngày càng trầm trọng, khiến chính phủ phải siết chặt các quy định về nhập viện điều trị, có thể gây áp lực với ông Suga trước cuộc bầu cử vào tháng 10 năm nay.
Ông Suga nói, nhà chức trách sẽ đưa ra quyết định về việc có cho phép khán giả vào sân xem thi đấu Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympics, dự kiến diễn ra từ ngày 24/8 - 5/9, hay không sau khi kết thúc Thế vận hội Olympic Tokyo vào ngày 8/8.
Manila quay trở lại tình trạng phong tỏa
Thủ đô Manila của Philippines hôm 6/8 bắt đầu bị áp phong tỏa trở lại 2 tuần, trong bối cảnh nhà chức trách cố gắng làm chậm lại đà lây lan của biến thể Delta và giảm tải áp lực lên hệ thống bệnh viện, đồng thời cố tránh gây tổn hại đến hoạt động kinh tế.
Theo quy định mới, chỉ các doanh nghiệp và người lao động trong những lĩnh vực thiết yếu có thể tiếp tục hoạt động trong 2 tuần tới. Việc tập thể dục bên ngoài không bị cấm, nhưng nhà chức trách cho triển khai lệnh giới nghiệm kéo dài 8 tiếng vào ban đêm.
Đài CNA đưa tin, các trạm kiểm soát của cảnh sát được thiết lập khắp Manila, thành phố có hơn 13 triệu cư dân, dẫn đến những hàng dài tắc nghẹt trong lúc lực lượng an ninh kiểm tra xe cộ nhằm đảo bảo chỉ những người hoạt động trong các lĩnh vực thiết yếu ra đường.
Các chuyên gia cảnh báo, sự bùng nổ của các ca mắc biến thể Delta có thể khiến hệ thống y tế quốc gia quá tải nếu chính quyền không siết chặt các hạn chế ở thủ đô, nơi chiếm tới 1/3 nền kinh tế đất nước.
Sắc lệnh ở nhà công bố tuần trước đã được mở rộng sang tỉnh Laguna lân cận Manila. Các giới hạn cũng bị siết chặt ở những vùng khác, đang chứng kiến số ca mắc tăng vọt.
Philippines đã phát hiện hơn 330 ca mắc Delta trong vài tuần trở lại đây. Nhiều ý kiến lo ngại, biến thể này có thể gây điêu đứng cho nước này giống như ở các quốc gia láng giềng.
Các đợt đóng cửa liên tiếp cùng các biện pháp hạn chế khác, kể cả cấm trẻ em ra ngoài, đã gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Philippines và khiến hàng triệu người mất việc. Chính phủ đang hỗ trợ một khoản trị giá 4.000 peso (80 USD) cho mỗi hộ gia đình.
Quốc gia Đông Nam Á này hiện ghi nhận tổng cộng hơn 1,6 triệu ca mắc, trong đó 28.673 trường hợp tử vong.
Malaysia lập kỷ lục ca mắc mới
Malaysia hôm 6/8 có thêm 20.889 ca mắc, ngày thứ 3 liên tiếp lập kỷ lục về số ca nhiễm mới theo ngày. Bộ Y tế thống kê, nước này ghi nhận tổng cộng hơn 1,2 triệu ca mắc kể từ đầu dịch, bao gồm 10.179 bệnh nhân thiệt mạng.
Số ca Covid-19 đang tăng vọt ở Malaysia trong vài tuần trở lại đây và lần đầu tiên nước này có ca nhiễm mới theo ngày vượt mốc 20.000 người hôm 5/8.
Bộ Y tế Malaysia tiết lộ, hơn 80% số ca mắc được đưa đến viện trong tình trạng tử vong chưa được chẩn đoán bệnh trước đó. Tiến sĩ Chong Chee Kheong, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Y tế ước tính, trong 1.000 ca tử vong ghi nhận mỗi tuần có khoảng 80 - 100 trường hợp như vậy và con số đang tăng lên.
Để đối phó, các trung tâm đánh giá Covid-19 trực tuyến đã được được kích hoạt cách đây 1 tuần. Những trung tâm này cho phép người có xét nghiệm dương tính nhưng không bộc lộ triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ tự cách ly tại nhà và được giám sát thông qua một công cụ đánh giá tại gia, thay vì phải trực tiếp đến một trung tâm chẩn đoán bên ngoài.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 7/8 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 202,3 triệu người, gần 4,3 triệu ca tử vong. Song, xấp xỉ 182,9 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
- Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 36,4 triệu ca mắc và 632.613 bệnh nhân không qua khỏi. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), trong một tháng qua, số ca mắc mới hàng ngày ở nước này đã tăng gấp 6 lần, trong khi số ca tử vong tăng gấp 4 lần. Hiện mỗi ngày, xứ sở cờ hoa có khoảng 120.000 ca mắc mới, chủ yếu là biến thể Delta. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cảnh báo biến thể này có thể sẽ khiến biểu đồ dịch bệnh tại Mỹ tiếp tục đi lên trong những tuần tới. Cho đến hiện tại, khoảng một nửa người trưởng thành ở nước này đã được tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19.
- Một nghiên cứu mới của CDC Mỹ phát hiện, những ai chưa tiêm vắc xin có nguy cơ tái nhiễm virus cao gấp đôi người đã chủng ngừa đủ liều. Nhà chức trách nói, kết quả củng cố khuyến nghị của cơ quan rằng, mọi người đủ điều kiện cần đi tiêm phòng, bất kể họ đã nhiễm Covid-19 hay chưa.
- Thái Lan ngày 6/8 ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong ở mức cao nhất từ trước đến nay, trong khi gần 100.000 bệnh nhân ở thủ đô Bangkok đang thực hiện cách ly tại nhà. Theo Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 21.379 ca dương tính với virus và 191 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay lên 714.684 ca, trong đó 5.854 bệnh nhân thiệt mạng.
- Dịch đang tiếp tục lây lan mạnh tại Thụy Điển với tỷ lệ lây nhiễm không còn được xem ở mức thấp. Giới chức y tế Thụy Điển cho rằng, nguyên nhân khiến số ca mắc tăng là do hoạt động du lịch nước ngoài tăng mạnh và các hoạt động của các hộp đêm chật cứng người ở thủ đô Stockholm.
- Các nhà nghiên cứu Anh vừa công bố những bằng chứng đầu tiên về việc biến thể Delta sản sinh ra lượng virus như nhau ở những người đã tiêm vắc xin Covid-19 và những người chưa chủng ngừa.
(Theo Vietnamnet)