COVID-19: Những nguy cơ từ việc một số nước tiêm vaccine tăng cường

  • Cập nhật: Thứ bảy, 28/8/2021 | 7:08:04 AM

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, cảnh báo việc các nước tiêm phòng tăng cường thay vì chia sẻ vaccine là “một tính toán sai lầm nghiêm trọng".

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Hartford, Connecticut (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Hartford, Connecticut (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

 Việc các quốc gia giàu có đang đẩy nhanh kế hoạch tiêm thêm mũi vaccine thứ 3 ngừa COVID-19 đang khiến nguồn cung cho các nước nghèo và nước đang phát triển trở nên hạn hẹp.

Sau Mỹ, hiện đã có thêm ít nhất 20 quốc gia khác xác nhận sẽ triển khai chương trình tiêm mũi vaccine thứ 3 ngừa COVID-19.

Động thái này đi ngược lại với lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng các nước nên ngừng kế hoạch tiêm tăng cường để chia sẻ lượng vaccine dự phòng cho các quốc gia còn đang thiếu.

Theo Tổng Giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus, hiệu quả thực sự của mũi vaccine tăng cường vẫn còn là một dấu hỏi và điều này chỉ thực sự cần với những người có hệ miễn dịch suy giảm mà thôi.

Trong một bài phân tích về chương trình tiêm chủng ở Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Chile, tờ Financial Times cho biết 3 nước này đã triển khai hơn 10 triệu liều vaccine tăng cường, nhiều hơn tổng số vaccine đã được sử dụng tại 6 quốc gia châu Phi là Nigeria, Ethiopia, Chad, Cameroon, Cộng hòa Dân chủ Congo và Kenya. Hiện mới chỉ có 2% dân số châu Phi đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine, tỷ lệ thấp nhất trong các châu lục trên thế giới.

Ông John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, cảnh báo việc các nước tiêm phòng tăng cường thay vì chia sẻ vaccine với các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp và tỷ lệ ca mắc cao là "một tính toán sai lầm nghiêm trọng," bởi điều này sẽ tạo cơ hội cho các biến thể mới xuất hiện và thách thức chính các quốc gia đã được tiêm chủng đầy đủ.

Ông Nkengasong coi các chương trình tiêm chủng tăng cường là ví dụ của việc nước giàu ưu tiên phòng ngừa các ca bệnh nhẹ ở nước mình hơn là ngăn chặn các ca bệnh nặng và tử vong ở các nước nghèo và châu Phi có thể sẽ trở thành lục địa của COVID-19.

Theo ông Andrew Pollard, Giám đốc Oxford Vaccine Group, hãng sản xuất vaccine Oxford/AstraZeneca, việc các nước vội vã tiêm mũi thứ 3 là do mong muốn giảm thiểu rủi ro trong tương lai, nhưng điều này là không cần thiết nếu "không có bằng chứng rõ ràng” rằng những người đã tiêm đủ 2 mũi bị suy giảm khả năng miễn dịch.

Cũng theo ông Pollard, tiêm mũi vaccine thứ 3 cho một người đồng nghĩa với việc từ chối cơ hội tiêm phòng cho một người khác. Đó là chưa kể, lợi ích của việc tiêm mũi thứ 3 là rất nhỏ so với việc triển khai tiêm phòng ở những nước chưa được tiêm chủng.

Tất nhiên theo một số nghiên cứu, đối với những người đã tiêm phòng đầy đủ, nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng nặng có thể giảm dần theo thời gian nhưng tốc độ giảm không nhiều.

Hiện Israel đang là nước dẫn đầu trong việc triển khai tiêm mũi tăng cường, với hơn 70% người trên 60 tuổi và 44% người từ 50-59 tuổi đã được tiêm mũi thứ 3.

Theo ông Ran Balicer, người đứng đầu Ủy ban cố vấn quốc gia về COVID-19 của Chính phủ Israel, quyết định này được đưa ra sau khi các cơ quan chức năng xem xét số lượng người phải nhập viện điều trị dù đã tiêm đủ 2 liều.

Ông Balicer ước tính sẽ có thêm hàng trăm triệu liều vaccine tăng cường được sử dụng trên toàn thế giới do các nước đang phải tìm cách hạn chế tác động của biến thể Delta.

Trong khi đó, Mỹ dự kiến sẽ thông qua kế hoạch tiêm phòng tăng cường cho những người đã hoàn thành các mũi tiêm được 8 tháng (có thể là 1 hoặc 2 mũi tùy theo từng loại vaccine). Dự kiến, sẽ có hơn 100 triệu người Mỹ đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường vào cuối năm nay.

Còn ở châu Âu, Đức và Pháp cũng đã ấn định ngày khởi động chiến dịch tiêm mũi thứ 3. Anh đang lên kế hoạch, nhưng nhiều khả năng sẽ chỉ tiêm mũi 3 cho những người dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng./.

(Theo Vietnam+)


Các tin khác
Ảnh minh họa. (Nguồn: drugtargetreview.com)

Cộng đồng Tình báo Mỹ (IC) nhận định rằng các quan chức Trung Quốc đã không biết trước về virus SARS-CoV-2 trước khi đợt dịch COVID-19 đầu tiên bùng phát.

Ảnh minh họa

Đến nay Việt Nam có 410.366 ca COVID-19, trong đó 198.614 trường hợp đã khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 985 thở máy và ECMO. Cán bộ y tế nhiều địa phương tiếp tục vào TP HCM và Bình Dương hỗ trợ chống dịch

Người dân khai báo y tế tại chốt kiểm dịch nút giao IC12, cao tốc Nội Bài- Lào Cai

Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh, trong ngày hôm nay - 27/8, Yên Bái ghi nhận 75 trường hợp (TH) mới về từ vùng có dịch.

Nano Covax là vắc-xin Covid-19 đầu tiên của Việt Nam

Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã chấp thuận kết quả giữa kỳ giai đoạn 3a vắc-xin Nano Covax. Hiện hồ sơ được chuyển sang Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đánh giá.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục