Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 422.469 ca mắc COVID-19, đứng thứ 60/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 166/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.297 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 418.320 ca, trong đó có 208.215 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 08/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum.
+ Có 04 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.
+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (204.964), Bình Dương (98.794), Đồng Nai (22.264), Long An (20.400), Tiền Giang (9.062).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 12.375, nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 210.989 ca.
2. Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.408 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.065
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.310
- Thở máy không xâm lấn: 88
- Thở máy xâm lấn: 921
- ECMO: 24
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 352 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (271), Bình Dương (38), Đồng Nai (16), Tiền Giang (15), Long An (4), Đồng Tháp (2), Khánh Hòa (2), Đà Nẵng (1), Bến Tre (1), Nghệ An (1), Thừa Thiên Huế (1).
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.405 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 624.775 xét nghiệm cho 706.629 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 12.147.137 mẫu cho 31.447.580 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Trong ngày 27/8 có 304.176 liều vaccine COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 19.151.122 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.822.691 liều, tiêm mũi 2 là 2.328.431 liều.
Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 500.000 ca bệnh COVID-19 và trên 8.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là 216,6 triệu ca, trong đó trên 4,5 triệu ca tử vong.
Các quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 47.000 ca), Ấn Độ (45.058 ca) và Anh (32.456 ca).
Các quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mexico (863 ca), Nga (799 ca), Iran và Brazil (cùng có 614 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với 39,5 triệu ca mắc và khoảng 654.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 32,6 triệu ca mắc và 437.860 ca tử vong; Brazil với 20,7 triệu ca mắc và 579.010 ca tử vong.
Các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 cứu sống nhiều ca bệnh nặng nguy kịch
Đây là thông tin tại Hội nghị tập huấn trực tuyến tăng cường hiệu quả công tác tổ chức, quản lý thu dung, điều trị COVID-19 để giảm tỷ lệ diễn biến nặng, nguy kịch tại Bộ Y tế chiều 28/8.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, trong tuần qua, Cục cùng với Hội đồng chuyên môn xây dựng, sửa đổi và ban hành nhiều tài liệu quan trọng để không chỉ triển khai tại TP.HCM, các tỉnh thành phía nam mà còn triển khai cho cả nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế: Trung tâm hồi sức tích cực phải điều trị người bệnh COVID-19 nặng tốt nhấtBộ trưởng Bộ Y tế: Trung tâm hồi sức tích cực phải điều trị người bệnh COVID-19 nặng tốt nhất
SKĐS - Hơn 100 bệnh nhân nặng tại Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của BV Trung ương Huế thiết lập tại TP.HCM đã và đang được các y bác sĩ tận tình điều trị, chăm sóc. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực của các y bác sĩ khi đến thăm Trung tâm.
Đó là hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng; Hướng dẫn hội chẩn, tư vấn chuyên môn cho người bệnh COVID-19 qua Telehealth; Hướng dẫn bảo đảm oxy y tế đáp ứng tình hình dịch COVID-19; Hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà; ban hành hướng dẫn tạm thời "Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm COVID-19 tại nhà; Hướng dẫn phòng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, Cục đã xây dựng hướng dẫn về dinh dưỡng, phục hồi chức năng… cho bệnh nhân COVID-19. Đây là những tài liệu quan trọng giúp các Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường hiệu quả công tác tổ chức, quản lý thu dung, điều trị COVID-19 góp phần giảm tỷ lệ diễn biến nặng, nguy kịch và tử vong do COVID-19.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, hiện Bộ Y tế đã hướng dẫn các địa phương tháp điều trị 3 tầng. Trong đó, tầng 1 có đến 80% là bệnh nhân nhẹ, ít triệu chứng. Do đó, phải hạn chế tối đa, không để bệnh nhân ở tầng 1 lên các tầng 2 và 3.
Bên cạnh đó, việc tổ chức cấp cứu ban đầu có ý nghĩa quan trọng, không để bệnh nhân diễn biến quá nặng và nguy cơ tử vong khi đến bệnh viện. Với việc triển khai các Trạm Y tế lưu động như hiện nay, việc tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc người nhiễm COVID-19 đang có những chuyển biến tích cực, PGS.TS Khuê nhận định.
Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, lần đầu tiên Bộ Y tế đã thiết lập một mô hình hoàn toàn mới. Đó là thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 (ICU) trên toàn quốc, cho phép giám đốc các bệnh viện Trung ương kiêm giám đốc các Trung tâm hồi sức tích cực tại TP.HCM và các tỉnh phía nam. Có Trung tâm hết từ 3-7 ngày đã thiết lập xong là nỗ lực cao của các cán bộ y tế và chính quyền sở địa phương, PGS.TS Khuê nhấn mạnh.
Theo báo cáo ban đầu, đã có 10 Trung tâm hồi sức tích cực tại các tỉnh phía Nam được thành lập, tiếp nhận trên 6.000 lượt người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch; kịp thời cứu sống và chuyển tầng dưới điều trị tiếp cho trên 2.300 ca bệnh.
TP HCM: Test nhanh, phát hiện trường hợp dương tính chiếm 3,5% tổng số mẫu
TP HCM đã triển khai lấy mẫu toàn dân tại vùng đỏ, vùng cam bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Khi hoàn tất các khu vực đỏ, cam thì chuyển sang khu vực vàng, xanh. Triển khai cuốn chiếu để rà soát, đánh già tình hình dịch bệnh tại các khu vực. Qua xét nghiệm kháng nguyên nhanh đã phát hiện gần 42.400 trường hợp dương tính với tỉ lệ là 3,5% trên tổng số mẫu.
Thành phố đã tổ chức hơn 400 trạm y tế lưu động để chăm sóc, theo dõi sức khoẻ F0 khi điều trị, chăm sóc tại nhà. Khi xét nghiệm test nhanh và phát hiện F0, các Trạm y tế lưu động sẽ nắm bắt thông tin nhanh và xử lý kịp thời, góp phần giảm tải cho bệnh viện. Triển khai chương trình điều trị thuốc Molnipiravir có kiểm soát dành cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ.
Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 74.452 người, trong đó có 47.920 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 26.505 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 16.962 người.
Huyện Cư M'gar- Đắk Lắk: Ghi nhận nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại xã Quảng Tiến
Qua xét nghiệm sàng lọc tại 2 thôn Tiến Thịnh và Tiến Đạt, xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar, lực lượng y tế đã phát hiện 17 trường hợp test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, 14 trường hợp đã có kết quả khẳng định Realtime RT-PCR dương tính.
Nhận định tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND huyện Cư M'gar và Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện đã quyết định áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với xã Quảng Tiến từ 0 giờ ngày 28/8/2021 và thực hiện phong tỏa cách ly y tế toàn bộ thôn Tiến Thịnh.
Ngay trong chiều và tối ngày 28/8, công tác xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng tiếp tục được triển khai, đảm bảo tất cả hơn 700 hộ với khoảng 3.600 nhân khẩu trên địa bàn 2 thôn Tiến Thịnh và Tiến Đạt đều được lấy mẫu xét nghiệm.
Ghi nhận đến 22 giờ ngày 28/8, lực lượng y tế đã lấy được hơn 700 mẫu test nhanh kháng nguyên và chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với SARS-CoV-2. Hiện công tác lấy mẫu test nhanh vẫn đang được thực hiện.
(Theo SKĐS)