Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, kỷ lục tiêm chủng được thiết lập trong ngày 17/9 là món quà đặc biệt dành tặng sinh nhật Thủ tướng Narendra Modi cũng như nhằm kỷ niệm 20 năm cầm quyền của ông.
Mức 25 triệu mũi tiêm/ngày cao gấp 2,5 lần kỷ lục thiết lập trước đó là 9,3 triệu mũi vào ngày 2/9 và hơn gấp 7 lần mức được báo cáo cách đây 3 tháng, theo thống kê của Dự án Our World in Data thuộc Đại học Oxford.
Giới chức Ấn Độ cho hay, trong ngày 17/9, bang miền đông Bihar, nơi cư trú của ước tính 127 triệu dân và là một trong những vùng nghèo nhất nước, đã tiêm được 2,9 triệu mũi vắc xin, nhiều hơn bất kỳ bang nào khác.
Sau những chậm trễ giai đoạn đầu, chiến dịch chủng ngừa Covid-19 quốc gia của Ấn Độ đã tăng tốc đáng kể trong những tuần gần đây. Cho đến nay, quốc gia với 1,4 tỷ dân này đã tiêm được hơn 793 triệu mũi vắc xin và dự kiến sẽ đạt hơn 1 tỷ mũi tiêm vào giữa tháng 10. Hiện mới khoảng 14% dân số nước này được chủng ngừa đầy đủ.
Theo New York Times, những nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng được thực hiện trong bối cảnh Ấn Độ vẫn đang ghi nhận hơn 30.000 ca mắc mới mỗi ngày. Nước này hiện là "ổ dịch" lớn thứ hai thế giới, với hơn 33,4 triệu ca mắc, 444.563 trường hợp tử vong.
Singapore ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới
Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết, nước này hôm 17/9 ghi nhận thêm 934 ca mắc mới Covid-19, mức cao nhất trong một ngày trong vòng 15 tháng qua, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 74.848 người, bao gồm 59 bệnh nhân không qua khỏi.
Đài CNA dẫn lời Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cảnh báo, Singapore cần phải chuẩn bị cho việc chứng kiến số ca mắc mới hàng ngày sẽ vượt mốc 1.000 người trong thời gian tới
"Ngày 17/9 là ngày thứ 26 của làn sóng lây nhiễm hiện tại. Số ca mắc mới hàng ngày đang tăng gấp đôi mỗi tuần. Tôi nghĩ, chúng ta hãy sẵn sàng cho khả năng sớm vượt mốc 1.000 ca. Điều này không nằm ngoài dự đoán. Đó là hành vi điển hình của một làn sóng lây nhiễm, vốn thường đạt đỉnh trong khoảng từ 4 - 8 tuần hoặc 30, 40 hay đôi khi 50 ngày", ông Ong giải thích.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lạc quan rằng, Singapore vẫn đang kiểm soát tốt tình hình với chỉ tổng cộng 813 bệnh nhân Covid-19 đang phải nằm viện điều trị. Hầu hết họ đều trong tình trạng sức khỏe ổn định và được đảm bảo chăm sóc, điều trị đầy đủ.
Nhà chức trách đang giám sát tổng cộng 12 chùm ca bệnh lớn khắp toàn quốc, có phát sinh ca mắc mới. Theo MOH, trong 28 ngày qua, tới 98,2% số ca mắc mới là những trường hợp không bộc lộ triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.
MOH thông báo, kể từ ngày 18/9, nước này sẽ mở rộng triển khai chương trình tự hồi phục tại nhà đối với những bệnh nhân Covid-19 từ 69 trở xuống, đã chủng ngừa đầy đủ. Điều kiện cho những người được áp dụng chương trình là họ không được mắc các bệnh nền nặng, có phòng cách ly khép kín và không sống chung cùng người từ 80 tuổi trở lên hoặc những đối tượng nguy cơ cao khác.
Singapore hiện là một trong số các nước có tỷ lệ chủng ngừa virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới, với 84% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin và 82% đã hoàn thành tiêm chủng. Đảo quốc sư tử bắt đầu tiêm mũi vắc xin tăng cường cho người cao tuổi và các nhóm suy giảm miễn dịch từ tuần này nhằm đối phó với dịch bệnh. Thủ tướng Lý Hiển Long, 69 tuổi được tiêm mũi tăng cường hôm 17/9.
Anh điều chỉnh chiến lược chống dịch
Chính phủ Anh ngày 17/9 đã công bố những biện pháp mới nhằm khôi phục hoạt động du lịch sau thời gian dài phải áp đặt các hạn chế phòng chống virus.
Theo Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps, London sẽ bỏ hệ thống phân loại các nước "đỏ, xanh, vàng" theo nguy cơ về dịch. Thay vào đó sẽ chỉ có 2 nhóm nước "nguy cơ cao" và "nguy cơ thấp". Việc bắt buộc xét nghiệm Covid-19 cũng được hủy bỏ với những khách du lịch đã tiêm phòng đầy đủ, giúp họ giảm bớt chi phí.
Bên cạnh đó, có 8 nước được xóa tên khỏi danh sách cảnh báo đỏ của Anh, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Maldives. Những khách du lịch từ các địa điểm này trở về Anh sẽ không phải chịu quy định cách ly.
Các biện pháp mới trên dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 4/10.
Trong vòng 24 giờ qua, Anh ghi nhận thêm 32.651 ca mới mắc và 178 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên gần 7,4 triệu, cao thứ 4 thế giới, trong đó 134.983 bệnh nhân không qua khỏi. Bất chấp số ca mắc mới vẫn tăng vì biến thể Delta, xứ sở sương mù đã bắt đầu quá trình tái mở cửa từ ngày 19/7. Cho đến nay, 66% dân số toàn quốc đã được tiêm đủ liều vắc xin.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 18/9 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 228,3 triệu người, gần 4,7 triệu ca tử vong. Song, gần 204,9 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
- Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch trên thế giới với gần 42,8 triệu ca mắc, 690.644 bệnh nhân không qua khỏi. 54% người dân ở xứ sở cờ hoa đã hoàn thành tiêm chủng. Một hội đồng chuyên gia cố vấn cho Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 17/9 đã đề xuất tiêm mũi vắc xin tăng cường cho người từ 65 tuổi trở lên và những nhóm nguy cơ cao, sau khi bác bỏ kêu gọi tiêm bổ sung cho toàn dân. Cùng ngày, Nhà Trắng thông báo sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Covid-19 toàn cầu vào tuần tới nhằm tìm cách đẩy mạnh các nỗ lực chủng ngừa cho thế giới.
- Nhà chức trách Nga hôm 17/9 đã cho khánh thành tượng đài các bác sĩ chiến đấu với đại dịch Covid-19 trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Y học thuộc Đại học Y quốc gia Moscow số 1 ở thủ đô Moscow. Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova, Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko và Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin.
- Cùng ngày, Campuchia đã bắt đầu tiêm phòng Covid-19 cho trẻ từ 6 - 11 tuổi, để các học sinh có thể quay trở lại trường học một cách an toàn sau nhiều tháng phải học từ xa để phòng chống dịch. Thủ tướng Hun Sen cũng yêu cầu Bộ Du lịch Campuchia xem xét hồi sinh ngành công nghiệp từng đóng góp tới 11,5% GDP theo 2 bước. Đầu tiên là hướng tới du lịch nội địa và bước tiếp theo sẽ mở cửa đón các du khách quốc tế đã hoàn thành tiêm chủng, chỉ yêu cầu họ cách ly 7 ngày sau khi nhập cảnh.
(Theo Vietnamnet)