Trao đổi với phóng viên báo chí chiều 20/9, trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần cho biết, cùng với xe xét nghiệm cơ động của các bệnh viện quân y, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, 5 xe labo sẽ tham gia phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19 cơ động ở các địa phương có dịch. "Sáng 22/9, hai xe sẽ lên đường vào TP HCM", tướng Giang cho hay.
Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự - Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) nhận nhiệm vụ thi công 5 labo xét nghiệm vào ngày 11/8, thời gian hoàn thành trong 30 ngày. Tuy nhiên, quá trình triển khai, do nhiệm vụ cấp bách, thời gian được rút ngắn thêm 5 ngày để kịp qua hội đồng nghiệm thu nhiều cấp, nhanh chóng đưa vào sử dụng.
Viện trưởng, đại tá Trần Hữu Lý cho biết, tất cả thiết bị nhập khẩu, cấu hình labo do Viện và Cục Quân y thống nhất. Các xét nghiệm đảm bảo an toàn sinh học cấp 2 và đủ điều kiện để xét nghiệm sinh học phân tử. Vì thời gian hạn chế, đơn vị được phép thực hiện hợp đồng theo hình thức vừa thiết kế vừa thi công (hợp đồng EPC: Engineering - Procurement - Construction).
Ba đầu mối cùng thực hiện nhiệm vụ là Phòng ôtô quân sự (phụ trách thiết kế); Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ cơ giới (phối hợp cùng đối tác liên doanh để mua sắm thiết bị); và Xưởng chế thử (đảm nhiệm khâu gia công sản xuất). Với mỗi hạng mục thiết kế hoàn thành, Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ cơ giới và Xưởng chế thử sẽ phối hợp triển khai ngay.
"Trong điều kiện Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi phải làm việc ba tại chỗ. Lực lượng được chia thành các tổ và làm theo ca để xưởng hoạt động liên tục, không ngừng nghỉ, làm đến đâu nghiệm thu đến đấy", đại tá Lý chia sẻ.
Mỗi lần xét nghiệm trên một xe labo lưu động được 96 mẫu đơn; nếu mẫu gộp 10 sẽ được 960 mẫu. Mỗi lô xét nghiệm mất khoảng 3 giờ. "Năng suất này lớn và hiện đại nhất so với các xe labo xét nghiệm Covid-19 cơ động ở Việt Nam hiện nay".
Xe labo xét nghiệm có 4 khu vực, gồm: buồng để các thiết bị điện; buồng chiết tách và xử lý mẫu bệnh phẩm; buồng trung gian ở giữa; buồng xét nghiệm sinh học phân tử (Realtime RT - PCR) và đọc kết quả.
Các buồng chuyên dùng được lắp đặt thiết bị hiện đại như tủ an toàn sinh học cấp 2, tủ bảo quản, máy ly tâm, tủ lạnh âm, máy Realtime PCR... Buồng chiết tách là buồng áp lực âm đảm bảo virus từ mẫu không truyền ra môi trường. Giữa khoảng chiết tách và khoang đọc kết quả có khoá từ liên động, không cho phép mở hai cửa cùng lúc.
Mẫu sau chiết tách có thể đưa sang đọc kết quả qua cửa, khi làm nhiều thì nhân viên không ra ngoài mà đưa mẫu sang khoang đọc kết quả thông qua một đường máng được chiếu khử trùng liên tục. Xe được trang bị máy phát điện 10KW nên có thể hoạt động được ở cả những khu vực không có lưới điện.
"Theo đánh giá của Cục Quân y, xe còn hiện đại, rộng rãi, thuận tiện hơn xe nhập khẩu từ nước ngoài", đại tá Lý cho hay.
Thượng tá Đặng Nhật Tân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ cơ giới, cho hay labo xét nghiệm Covid-19 là một "ngôi nhà di động đặc biệt". Labo dài 7 m, rộng 2,5 m và được đặt trên xe cơ sở Mitsubishi Fuso. Vách của labo xét nghiệm được thiết kế dày 5cm, gồm 5 lớp vật liệu.
Độ dày của vỏ labo bảo đảm sự chắc chắn khi xe cơ động dài ngày, đồng thời có thể tích hợp các loại đường ống dẫn nước, dây điện, thiết bị lọc khí... mà không bị không khí môi trường xâm nhập.
Đặc biệt, labo này có máy tạo áp lực âm. Thân xe được thiết kế tích hợp thùng đựng nước sạch và nước thải bằng inox, máy phát điện, hệ thống nạp bình ác quy dự phòng và có chỗ lấy điện lưới cấp cho labo hoạt động.
Xe còn có 4 "chân voi" để đỡ toàn bộ labo, giảm tải cho lốp và giữ cân bằng. Nước thải trong quá trình sử dụng sẽ được lọc bằng các thiết bị hiện đại và có thể đưa ra ngoài qua hệ thống ống và van xả.
Anh Tân cho biết, đến kiểm tra sản phẩm, sau khi đo kiểm bằng các thiết bị chuyên dùng, các chuyên gia Bộ Y tế đã khẳng định, thông số của năm chiếc labo này đều đạt và vượt tiêu chuẩn khắt khe do WHO ban hành.
(Theo VnExpress)