Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 13h30 ngày 24/12, cả nước đã tiêm trên 143,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng trong năm 2021, trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và bắt đầu triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại.
Đến ngày 23/12, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 132.029.541 liều, trong đó có 69.504.465 mũi 1; 60.816.814 mũi 2; 1.056.417 mũi 3 (đối với vaccine Abdala); 205.065 liều bổ sung và 446.780 liều nhắc lại . Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 97,7% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều vaccine là 85,5% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 94,6% và 81,2%; miền Trung là 94,6% và 83,9%; Tây Nguyên là 90,7% và 69,1%; miền Nam là 100% và 90,4 %.
Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều cho dân số từ 18 tuổi trở lên: 32/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 95% ; 14/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ từ 90-95%; 17/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ dưới 90%, trong đó 05 tỉnh có tỷ lệ bao phủ thấp nhất là Hà Giang (78,9%), Quảng Nam (81,5%), Hưng Yên (83,7%), Cao Bằng (84,3%) và Yên Bái (81,5%).
Tỷ lệ bao phủ đủ liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên: 21/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 90%; 34/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều từ 70 – dưới 90% ; 8/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều dưới 70%...
Về triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được 10.312.960 liều, trong đó có 7.020.377 mũi 1 và 3.292.583 mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 77,2% và tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều là 36,2% dân số từ 12 -17 tuổi. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 71,5% và 22,0%; miền Trung là 59,8% và 23,6%, Tây Nguyên là 72,5% và 1,4%, Miền Nam là 91,1% và 63,9%.
Các tỉnh thành phố đã cơ bản bao phủ đủ 02 liều vaccine cho nhóm tuổi này là Hà Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bạc Liêu, Hậu Giang.
Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định. Đặc biệt, Bộ lưu ý việc ưu tiên tiêm chủng cho người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền.
TP HCM: Kiến nghị cung cấp oxy y tế phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19
UBND TP HCM ngày 23/12 đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Công thương có biện pháp điều phối, tiết giảm nguồn khí công nghiệp cung cấp cho ngành sản xuất thép trong 3 tháng tới, nhất là thời gian Tết Nguyên đán năm 2022.
Việc này để đảm bảo có nguồn cung ứng oxy y tế cho các cơ sở y tế tại TP HCM cũng như các tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị kịp thời cho bệnh nhân COVID-19.
Theo UBND TP HCM, hiện nay tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, trong đó có địa bàn TP HCM và các tỉnh lân cận. Số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 cần điều trị có xu hướng tăng nhanh nên nhu cầu sử dụng oxy y tế tại các bệnh viện phục vụ điều trị COVID- 19 tăng cao. Hiện các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP HCM sử dụng khoảng 170 tấn oxy lỏng/ngày, dự báo trong thời gian tới cần khoảng 350 tấn oxy lỏng/ngày.
Trong khi đó, hiện chỉ có 5 đơn vị có khả năng cung cấp cho TP HCM với lượng oxy lỏng có thể cung cấp khoảng 150 tấn/ngày. Với lượng oxy cung cấp cho y tế hiện nay chỉ chiếm tỷ trọng thấp, có nguy cơ cao xảy ra tình trạng thiếu hụt oxy y tế trong thời gian tới
Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 diễn ra hôm qua, 23/12, ông Phạm Đức Hải - Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM cho biết TP HCM sẽ không bắn pháo hoa vào Tết dương lịch, đồng thời đề nghị người dân đảm bảo 5K khi vui chơi Giáng sinh và Tết dương lịch.
Với kế hoạch tổ chức các hoạt động đón năm mới 2022 đã được ban hành, nếu dịch tại TP đạt cấp độ 3 - 4, UBND TP.HCM yêu cầu các sở ban ngành, đoàn thể và TP Thủ Đức, các quận huyện xây dựng kế hoạch tổ chức, chủ động giảm quy mô hoặc tạm dừng tổ chức các sự kiện, điều chỉnh các phương án phòng, chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, biến chủng Omicron đã xuất hiện nhiều nơi trên thế giới, TP.HCM luôn trong tâm thế như "đã xuất hiện biến chủng mới".
Quảng Bình: Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 23/12 đến 6 giờ ngày 24/12), Quảng Bình ghi nhận thêm 30 ca mắc COVID-19, tất cả đều là ca tại cộng đồng, trong đó có 3 ca đang xác định nguồn lây.
Tổng số ca COVID-19 của tỉnh đến nay là 3.502; số ca điều trị khỏi là 3.053, còn 350 bệnh nhân đang điều trị, 7 ca tử vong; 82 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà.
Hiện gần 95% người trên 18 tuổi ở Quảng Bình đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1; mũi 2 là gần 86,5%;
Bình Định: Sáng 24/12, Tiểu ban Tuyên truyền, Vận động phòng chống COVID-19 tỉnh Bình Định đã thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Theo đó, tính đến sáng cùng ngày, Bình Định ghi nhận số trường hợp mắc COVID-19 mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 626 ca, tăng 116 ca so với ngày hôm trước, nâng tổng số ca mắc lên 12.144. Ngoài ra, Bình Định còn ghi nhận thêm 6 người chết trong ngày vì mắc bệnh COVID-19, cao nhất từ trước đến nay.
Về việc phân loại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn, Bình Định có 4 xã, phường đang ở mức nguy cơ rất cao, gồm phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn; xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ; xã Bình Tường, huyện Tây Sơn và xã Canh Liên, huyện Vân Canh. Ngoài ra, Bình Định còn có hàng chục xã, phường, thị trấn đang ở mức nguy cơ cao.
Bến Tre: Từ 6 giờ đến 11 giờ ngày 24/12/2021, tỉnh có 42 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 24.206 ca. Trong đó, có 12.391 ca điều trị khỏi bệnh, 134 ca tử vong.
Tỉnh đoàn Bến Tre phối hợp với Sở Y tế tỉnh ra mắt đội phản ứng nhanh hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, nhằm hỗ trợ các trường hợp cần giúp đỡ với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Với khoảng 70 thành viên là cán bộ chuyên trách tại Tỉnh đoàn, cùng các y bác sĩ, các đoàn viên, thanh niên, giáo viên, sinh viên, lực lượng này được chia thành 5 tổ: tiếp nhận thông tin, nhập liệu, tư vấn chuyên môn, động viên và shipper; sẵn sàng hỗ trợ cho F0 đang điều trị tại nhà.Khi bệnh nhân F0 cần hỗ trợ có thể gọi đến đường dây nóng 0949.943.523 và 0888.551.294 để được tiếp nhận thông tin và giúp đỡ kịp thời.
(Theo SKĐS)