Những ngày cuối năm, số ca mắc COVID-19 tại các địa phương có chiều hướng gia tăng. Để chủ động ứng phó với đại dịch, các tỉnh, thành đồng loạt ra văn bản chỉ đạo, hướng dẫn người dân đón Tết an toàn, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tại Vĩnh Phúc, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hạn chế di chuyển khi không cần thiết; tuyên truyền, vận động, thông tin đến người thân trong gia đình đang học tập, làm việc ngoài tỉnh hạn chế đi/về tỉnh.
Các trường hợp đến/về tỉnh Vĩnh Phúc phải khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương và làm xét nghiệm, có kết quả âm tính SARS-CoV-2 trước khi trở về địa phương, gia đình.
Tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu dừng tổ chức các lễ hội, các sự kiện, liên hoan, tiệc cuối năm tập trung đông người. Hạn chế tối đa số người tại các đám cưới, đám hiếu, đám giỗ, chạp, sang cát, mừng thọ...
Các gia đình tổ chức sự kiện đông người phải ký cam kết không để lây lan dịch bệnh COVID-19 với chính quyền địa phương bằng văn bản. UBND cấp xã, các tổ COVID-19 cộng đồng, tổ liên gia tự quản giám sát việc thực hiện theo quy định. Tỉnh sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngày 23/12, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là dịp Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022, đồng thời tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn; xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm.
Tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không ra tỉnh ngoài, đặc biệt trong những ngày nghỉ lễ. Người dân đi lại, vui chơi tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tại Bắc Ninh, tính đến ngày 24/12, toàn tỉnh ghi nhận 9575 ca mắc COVID-19. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các cơ quan, đơn vị không tổ chức liên hoan, gặp mặt trong dịp cuối năm và đầu năm mới để tránh lây nhiễm COVID-19.
Từ ngày 25/12, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bắt đầu triển khai quản lý người nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, đánh giá, lập danh sách gia đình có đủ điều kiện cách ly F1, F0 tại nhà; thành lập thêm các Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng; thiết lập Tổng đài để Tổ chăm sóc người mắc tại cộng đồng thuận lợi trong việc tư vấn, hướng dẫn F0 cách ly và tự chăm sóc sức khoẻ tại nhà.
Tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu người đến từ tỉnh, thành có ca nhiễm cộng đồng vào địa bàn phải có kết quả test nhanh âm tính trong 48 giờ, hoặc giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19. Người dân được yêu cầu hạn chế tụ tập, tổ chức ăn uống đông người, nhất là đêm Noel, các trận bóng đá có đội tuyển Việt Nam và những ngày nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, các lễ hội đầu xuân.
Chính quyền Bắc Giang kêu gọi người dân hạn chế ra khỏi địa bàn dịp lễ, Tết để giảm thiểu lây nhiễm dịch bệnh. Địa phương khuyến khích doanh nghiệp duy trì sản xuất dịp Tết Dương lịch, rút ngắn thời gian nghỉ Tết Âm lịch, giữ chân công nhân ở lại, không về quê. Tiền lương lẫn phúc lợi cho người lao động thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.
Tại Hà Nội, mới đây Chủ tịch Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị 25 tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp lễ cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Chỉ thị yêu cầu đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp, bao gồm hạn chế/dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn.
Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa bàn, nhất là khu vực có nguy cơ cao như: bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe…
Các quận, huyện, thị xã căn cứ cấp độ dịch trên địa bàn để ban hành văn bản chỉ đạo hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, nhất là trong dịp cuối năm, lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đám tang, đám cưới...
UBND TP Hà Nội cũng xây dựng phương án bắn pháo hoa tại Công viên Thống Nhất và truyền hình trực tiếp phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán 2022. Đây là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa tại một điểm trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp. Dịp giao thừa những năm trước đó, thành phố đều tổ chức bắn pháo hoa tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã.
Tỉnh Bắc Kạn cũng vừa ban hành văn bản về việc không tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết Nhâm Dần năm 2022.
Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, đến nay tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, để tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch và tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các huyện, thành phố không thực hiện bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2022.
(Theo VTC)