Trung Quốc khử khuẩn thành phố 13 triệu dân

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/12/2021 | 2:20:39 PM

Thành phố Tây An, tây bắc Trung Quốc, tiến hành khử khuẩn diện rộng, khi ca nhiễm tiếp tục tăng dù đã phong tỏa nghiêm ngặt.

Một điểm xét nghiệm nCoV ở Tây An đêm 25/12.
Một điểm xét nghiệm nCoV ở Tây An đêm 25/12.


Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc hôm nay công bố 162 ca nCoV cộng đồng có triệu chứng trên toàn quốc được ghi nhận ngày 26/12, mức cao nhất kể từ cuối tháng 3/2020. Trong số này, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, báo cáo 150 ca, so với 155 ca một ngày trước đó.

Số ca nhiễm không giảm mạnh dù Tây An đang trải qua ngày phong tỏa thứ năm, buộc chính quyền thành phố 13 triệu dân này triển khai chiến dịch phun khử khuẩn toàn bộ. Người dân được khuyến cáo đóng cửa nhà, không chạm vào bề mặt các công trình công cộng và cây cỏ trên đường phố. Giới chức y tế thành phố cũng tiến hành vòng xét nghiệm diện rộng thứ tư cho toàn thể cư dân.

Cụm dịch tại Tây An đã ghi nhận tổng cộng 635 ca nhiễm kể từ ngày 9/12, nhưng không trường hợp nào mang biến chủng Omicron.

Số ca nhiễm vẫn rất nhỏ so với các vùng dịch ở nước ngoài, nhưng giới chức đã áp đặt hàng loạt biện pháp phong tỏa cứng rắn, cho thấy nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát các cụm dịch càng sớm càng tốt.

Thành phố Tây An bắt đầu áp phong tỏa từ ngày 23/12, sau khi giới chức phát hiện hơn 200 ca nCoV trong tháng này. Mỗi gia đình chỉ được cử một người ra đường để mua nhu yếu phẩm hai ngày một lần, các thành viên khác chỉ được ra đường nếu làm công việc thiết yếu hoặc có việc khẩn cấp và được chính quyền địa phương chấp thuận. Những người muốn rời thành phố cũng phải xin giấy phép.

Tuy nhiên, ổ dịch tại Tây An đã lan tới nhiều thành phố, trong đó có thủ đô Bắc Kinh, gây lo ngại về làn sóng Covid-19 mới. Trung Quốc tới nay ghi nhận tổng cộng 101.277 ca nhiễm, trong đó 4.636 người đã chết.

Trung Quốc đang duy trì cảnh giác cao độ với các ổ dịch tiềm tàng, nhằm chuẩn bị cho Olympic Mùa đông được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 2 năm sau. Nước này vẫn duy trì chiến lược "không Covid" nghiêm ngặt suốt gần hai năm qua, với các biện pháp đóng cửa biên giới, cách ly bắt buộc và phong tỏa diện rộng. Nhiều quan chức các tỉnh và thành phố đã bị kỷ luật vì để bùng phát ổ dịch tại địa phương.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh tại quận 1, TP HCM.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các tỉnh, thành phố hoàn tất tiêm mũi ba vaccine Covid-19 cho nhóm người trên 18 tuổi vào quý 1/2022.

Covid-19 kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh nhiều tháng sau đó

Nghiên cứu mới hé lộ nguyên nhân có thể khiến nhiều người bị mắc hội chứng Covid-19 kéo dài, gây ra triệu chứng dai dẳng trong nhiều tháng.

Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế áp dụng từ ngày 1-1-2022 tới, đối với người nhập cảnh, ngoài các yêu cầu chung về phòng, chống dịch bệnh còn có các yêu cầu riêng dành cho các đối tượng cụ thể như: Người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; người nhập cảnh chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin Covid-19.

Thủ đô New Delhi (Ấn Độ) áp đặt giới nghiêm từ 23 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau.

Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19, đặc biệt là biến chủng mới Omicron đang gia tăng nhanh chóng, chính quyền New Delhi đã quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại thủ đô, từ 23 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 27/12.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục