Trong vòng 24 giờ qua, Philippines có thêm 4.600 ca mắc COVID-19 và nhiều nhất là tại thủ đô Manila với hơn 3.000 ca. Chính quyền thủ đô Manila của Philippines ngày 3/1 đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh COVID-19 từ cấp độ 2 lên cấp độ 3. Theo đó, các lớp học trực tiếp sẽ tạm ngưng hoạt động, các cơ sở kinh doanh trong nhà chỉ được hoạt động tối đa 30% công suất, còn các cơ sở ngoài trời được hoạt động tối đa 50% công suất và khách tới phải tiêm chủng đầy đủ. Các điểm du lịch, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, phòng tập thể thao cũng sẽ giảm hoạt động.
Việc nâng cấp độ phòng dịch diễn ra khi Philippines ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong vòng 2 tháng qua. 24 giờ qua, nước này có thêm 4.600 ca mắc COVID-19 và nhiều nhất là tại thủ đô Manila với hơn 3.000 ca. Giới chức y tế lo ngại số ca mắc COVID-19 còn có thể tăng theo cấp số nhân khi Philippines đã phát hiện các ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng giữa lúc người dân gia tăng di chuyển trong dịp lễ mừng năm mới.
Hàn Quốc đã ghi nhận 2 ca tử vong có liên quan tới biến thể Omicron. Hai bệnh nhân này mắc COVID-19 và đều ở độ tuổi 90. Cả hai đều có kết quả dương tính với biến thể Omicron, xét nghiệm tại một bệnh viện điều trị người cao tuổi trong thành phố Gwangju. Hiện giới chức y tế Hàn Quốc đang làm rõ nguyên nhân chính xác của hai ca tử vong này.
Ấn Độ hôm qua đã ghi nhận hơn 27.000 ca nhiễm mới COVID-19, số ca nhiễm tăng mạnh trong 5 ngày gần đây, tuy nhiên chính quyền thủ đô New Delhi khẳng định không nên hoảng sợ vì tỷ lệ nhập viện thấp. Các thành phố lớn nhất của Ấn Độ như New Delhi và trung tâm tài chính Mumbai đã chứng kiến sự gia tăng đột biến gần đây về các ca nhiễm COVID-19, trong đó có các ca nhiễm biến thể Omicron. Hầu hết các ổ dịch xuất hiện tại các khu dân cư đông đúc, khu chợ và nơi dành cho khách du lịch.
Uớc tính với tốc độ tăng hiện tại, số ca mắc mới hàng ngày ở Ấn Độ có thể lên đến mốc 36 nghìn ca trong 7 ngày tới. Tuy nhiên các chuyên gia đang lạc quan rằng tình trạng lây nhiễm biến thể Omicron chủ yếu dẫn đến các ca nhẹ, không kéo căng hệ thống y tế như kịch bản tồi tệ đã từng xảy ra ở làn sóng dịch thứ hai vừa qua.
Ngày 3/1, Ấn Độ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ vị thành niên từ 15 đến 18 tuổi. Động thái này diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 mới đang không ngừng gia tăng tại nhiều thành phố trên khắp cả nước. Ấn Độ sẽ chỉ sử dụng vaccine Covaxin trong nước sản xuất để tiêm cho khoảng 74 triệu em ở độ tuổi trên. Ngoài ra, nước này có kế hoạch sẽ triển khai tiêm liều vaccine thứ ba cho nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu và những người cao tuổi dễ bị tổn thương từ ngày 10/1.
Tại Anh, nơi có số ca mắc biến thể Omicron tăng nhanh lại vừa công bố những dữ liệu ban đầu, cho thấy biến thể Omicron không gây ra tình trạng mắc bệnh nặng như biến thể Delta. Đây là kết quả nghiên cứu, của Cơ quan an ninh y tế Anh. Cơ quan này công bố một nghiên cứu, phân tích khoảng 530 nghìn ca nhiễm biến thể Omicron và hơn 570 nghìn ca nhiễm biến thể Delta. Kết quả cho thấy, nguy cơ các ca nhiễm Omicron phải nhập viện bằng một nửa so với các ca nhiễm Delta và chỉ bằng 1/3 nếu tính về nguy cơ phải cấp cứu.
Trong phân tích này, nguy cơ nhập viện thấp hơn đối với các ca nhiễm Omicron có triệu chứng hoặc không có triệu chứng sau khi tiêm 2 hoặc 3 mũi vaccine. Còn so với các ca nhiễm Omicron chưa tiêm phòng, tỷ lệ giảm 81% nguy cơ nhập viện sau 3 mũi tiêm. Tuy vậy, việc biến thể Omicron có thể lây lan rất nhanh vẫn gây ra những mối lo ngại nhất định trên thế giới. Vì thế, việc ngăn chặn khả năng tấn công của nó vẫn được ưu tiên hàng đầu.
Chính phủ Australia cho biết với việc biến thể Omicron không gây ra tình trạng bệnh nặng, nước này có thể thúc đẩy các kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế, ngay cả khi số ca mắc mới hiện đang lên tới mức kỷ lục với hơn 37 nghìn ca/ngày.
Theo Thủ tướng Scott Morrison, Australia hiện không cần quan tâm đến số ca mắc COVID-19 mà thay vào đó là quan tâm đến các ca bệnh nặng, việc sống chung với virus SARS-CoV-2 và duy trì hoạt động của nền kinh tế. Bộ trưởng Y tế nước này cho rằng, biến thể Omicron dễ lây lan hơn, song không gây tình trạng bệnh nặng như những biến thể khác, điều này đã giúp giảm bớt rủi ro đối với cả các cá nhân và hệ thống y tế.
Theo số liệu của hãng AFP công bố cuối tuần qua, những nước có tỷ lệ lây nhiễm trên 100.000 dân cao nhất thế giới đều nằm ở châu Âu. Trong vòng 7 ngày (tính đến ngày 1/1/2022), hơn 4,9 triệu ca mắc mới COVID-19 đã được báo cáo trên toàn châu lục, riêng Pháp chiếm hơn 1 triệu ca. Nước Anh cũng chứng kiến số ca mắc mới mỗi ngày lên mức cao kỷ lục do biến thể Omicron lây lan. Tại Italy, mặc dù tình hình dịch COVID-19 tốt hơn so với các nước châu Âu khác, nhưng chính phủ vẫn báo động về sự gia tăng số ca nhiễm mới và có thể sẽ quyết định các hạn chế mới vào ngày 5/1. Trong vòng 7 ngày tính đến ngày 2/1, số ca mắc tại Italy tăng 145,3%, trong khi tỷ lệ tử vong tăng 64,2%.
(Theo VTV)