Lào ghi nhận 836 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố và 6 ca tử vong. Đa số các ca mắc mới là lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó thủ đô Vientiane tiếp tục đứng đầu cả nước với 394 ca cộng đồng. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 114.787 ca, trong đó có 409 người tử vong. Lào chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron nhưng vẫn tiếp tục tăng cường giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã ra chỉ thị không cho phép bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron được điều trị tại nhà, bất kể điều kiện kinh tế hay tuổi tác. Hiện các bệnh nhân nhiễm Omicron tại Campuchia đang được điều trị tại Trung tâm Quốc gia điều trị bệnh Lao phổi, Phong và Bệnh viện Loung Mae. Campuchia đầu tháng này đã cho phép mở lại các trường mẫu giáo để trẻ em từ 3-5 tuổi có thể đến lớp. Quyết định trên được đưa ra dựa trên cơ sở các ca lây nhiễm cộng đồng giảm và tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 trong nước đạt mức cao. Tính đến ngày 2/1, Campuchia đã tiêm mũi tăng cường cho khoảng 3,6 triệu người, tương đương 21,25% dân số.
Giới chức Singapore và Thái Lan hôm qua đều đưa ra cảnh báo về tốc độ lây lan nhanh của biến thể Omicron.
Tại Singapore, số ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng hiện chiếm 18% tổng số ca nhiễm COVID-19 trong những ngày qua. Giới chức y tế Singapore đánh giá, khả năng cao nước này sẽ sớm đối mặt với làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron lớn hơn làn sóng Delta hồi đầu quý 4 năm ngoái. Singapore xác định tiêm chủng vaccine vẫn là biện pháp chủ đạo.
Còn tại Thái Lan, nước này đang cân nhắc áp dụng các biện pháp như hạn chế tụ tập đông người và cấm bán đồ uống có cồn tại các nhà hàng nhằm ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới. Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ đưa ra quyết định về các biện pháp hạn chế mới trong ngày mai.
Bộ Y tế Philippines ngày 5/1 thông báo ghi nhận 10.775 ca mắc mới COVID-19, tăng tới 60 lần so với mức 168 ca trong ngày 21/12/2021 và là mức cao nhất kể từ ngày 10/10/2021. Số ca mắc mới COVID-19 vừa ghi nhận đã đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 2.871.745 ca, trong đó có 51.662 ca tử vong (tăng 58 ca). Như vậy, Philippines hiện có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Australia đã quyết định giảm bớt các yêu cầu về xét nghiệm COVID-19 trong bối cảnh hệ thống xét nghiệm của nước này đang phải căng sức đáp ứng nhu cầu của người dân khi số ca nhiễm liên tục tăng cao. Theo các quy định mới, những người có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RAT) dương tính với virus sẽ không còn bắt buộc phải làm thêm xét nghiệm PCR, yêu cầu xét nghiệm thường xuyên đối với tài xế xe tải cũng được dỡ bỏ, và hành khách nhập cảnh từ nước ngoài sẽ không cần phải lấy mẫu xét nghiệm nhiều lần.
Tại châu Âu, kể từ ngày 10/1, Bỉ nới lỏng quy định về xét nghiệm COVID-19 và cách ly, theo đó chỉ những người có triệu chứng nhiễm bệnh mới phải xét nghiệm PCR. Những người tiếp xúc có nguy cơ cao nhưng không có triệu chứng, đã tiêm 2 hoặc 3 mũi vaccine ngừa COVID-19 trong vòng 5 tháng qua, có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, sẽ không phải xét nghiệm PCR, không phải cách ly. Đối với những người tiêm mũi 2 trên 5 tháng, thời gian cách ly sẽ giảm từ 7 ngày xuống còn 4 ngày. Riêng với các trường hợp chưa tiêm vaccine và có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, thời gian tự cách ly là 7 ngày.
Đức thông báo sẽ nới lỏng các hạn chế đi lại vốn được áp đặt với Vương quốc Anh, Nam Phi kể từ khi biến thể Omicron có tốc độ lây nhiễm cao được phát hiện. Theo đó, người từ Anh hoặc Nam Phi đến Đức sẽ không còn phải cách ly trong 2 tuần.
Tuy nhiên, thời gian cách ly đối với du khách nhập cảnh vào Đức từ các quốc gia nằm trong danh sách "các khu vực đáng lo ngại" trong đó có quy định cách ly bắt buộc 14 ngày, sẽ không được rút ngắn thời gian kể cả có chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính.
Các biện pháp hạn chế trên cũng áp đặt cả với công dân và những người định cư tại Đức trở về từ các "khu vực đáng lo ngại" do biến thể Omicron. Riêng đối với du khách đến các khu vực có "nguy cơ cao", nếu có chứng nhận tiêm vaccine, không cần phải cách ly. Với những người chưa tiêm, bắt buộc phải cách ly 10 ngày nhưng có thể rút ngắn xuống một nửa nếu sau 5 ngày xét nghiệm cho kết quả âm tính.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông tin về biến thể của virus SARS-CoV-2, có tên gọi là IHU hay B.1.640.2, được phát hiện đầu tiên ở Pháp cuối năm 2021. Biến thể mới nói trên chính thức được ghi nhận xuất hiện đầu tiên ở Pháp tháng trước, sau khi các bệnh nhân vùng Marseilles miền Nam nước Pháp bắt đầu có triệu chứng bệnh hồi tháng 11. Biến thể IHU có 46 đột biến, khiến giới chuyên gia quan ngại có thể kháng các loại vaccine hiện nay, cho dù biến thể này dường như không có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt khi so sánh với biến thể Omicron xuất hiện cùng khoảng thời gian nhưng nay đã lây lan ra toàn cầu.
Giới chuyên gia quốc tế cũng cân nhắc hạ thấp nguy cơ do IHU gây ra, trong đó nhiều chuyên gia cho rằng Omicron đã áp đảo IHU. Văn phòng WHO ở châu Âu cũng cảnh báo số ca nhiễm biến thể Omicron đang gia tăng trên toàn thế giới có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện một biến thể mới nguy hiểm hơn. Mặc dù lây lan nhanh, song biến thể Omicron cho đến nay dường như ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại ban đầu, theo đó thế giới hy vọng đại dịch có thể sớm chấm dứt và cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường.
(Theo VTV)