Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.226.343 ca, trong đó có 1.959.780 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.547 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 166 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại TP. Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (2), Thanh Hóa (2), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1).
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.233.287 ca nhiễm, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.628 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.226.343 ca, trong đó có 1.959.780 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (513.578), Bình Dương (292.823), Hà Nội (125.866), Đồng Nai (99.859), Tây Ninh (87.962).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 12.353 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 1.962.597 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.869 ca.
Số bệnh nhân tử vong:
Từ 17h30 ngày 28/01 đến 17h30 ngày 29/01 ghi nhận 115 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (5) trong đó có 3 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tây Ninh (1), Trà Vinh (1), Đồng Tháp (1).
Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (27), Kiên Giang (11 ca trong 02 ngày), Cần Thơ (8 ), Tiền Giang (7), Đồng Tháp (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (5), Hải Phòng (4), An Giang (4), Sóc Trăng (4), Bắc Ninh (4), Khánh Hoà (3), Đà Nẵng (3), Nam Định (2), Bình Thuận (2), Long An (2), Bến Tre (2), Trà Vinh (2), Lào Cai (2), Gia Lai (1), Đắk Lắk (1), Đắk Nông (1), Hải Dương (1), Hà Giang (1), Yên Bái (1), Lâm Đồng (1), Bình Phước (1), Vĩnh Long (1), Hậu Giang (1), Bạc Liêu (1), Cà Mau (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 136 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.547 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Các địa phương căn cứ cấp độ dịch, sớm đưa học sinh trở lại trường
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương để chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, lộ trình sớm đưa học sinh trở lại trường.
Theo Bộ Y tế, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trong đó có hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương (đến tận địa bàn cấp xã) để chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể sớm đưa học sinh trở lại trường để tổ chức dạy học trực tiếp.
Sở GD&ĐT, Sở Y tế, các sở, ngành liên quan và UBND các cấp khẩn trương xây dựng các phương án, kịch bản chi tiết, cụ thể và tổ chức diễn tập xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình tổ chức dạy, học trực tiếp; hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn, quy định về "Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19" của Bộ GD&ĐT.
Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế khẩn trương triển khai các hoạt động tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, hiệu trưởng và giáo viên về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Sở GD&ĐT, Sở Y tế và UBND các cấp thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá các tiêu chí bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các trường học theo hướng dẫn tại Công văn số 4726/BGDĐT-GDTC ngày 15/10/2021 của Bộ GD&ĐT và các văn bản khác có liên quan của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế.
Hướng dẫn mới nhất về liều tiêm bổ sung và nhắc lại vắc-xin Moderna
Theo Bộ Y tế, người tiêm liều bổ sung bằng vắc-xin Moderna sẽ sử dụng liều 0,5 ml; người tiêm liều nhắc lại dùng liều 0,25 ml, tức là 1/2 liều cơ bản.
Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới về việc tiêm vắc-xin Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại. Theo đó, Bộ Y tế cho biết người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc-xin Sinopharm thì có thể tiêm liều bổ sung và nhắc lại bằng vắc-xin AstraZeneca
Đối với liều dùng vắc-xin Moderna sản xuất, người tiêm liều bổ sung thì sử dụng liều là 0,5 ml; Còn với người tiêm liều nhắc lại (người đã tiêm 2 mũi trước đó bằng bất cứ loại vắc-xin gì), liều dùng là 0,25ml (tức là 1/2 liều cơ bản).
Bộ Y tế đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur được giao nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng.
Trước đó, ngày 17/12/2021, Bộ Y tế có hướng dẫn về tiêm vắc-xin Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Theo đó đối tượng được tiêm liều bổ sung vắc-xin Covid-19 là người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc-xin) bao gồm: Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...; Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc-xin của hãng Sinopharm hoặc vắc-xin Sputnik V.
Việc tiêm 1 mũi bổ sung được thực hiện sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.
Với liều nhắc lại, đối tượng gồm người từ 18 tuồi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế. Tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản...
Việc tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại, theo Bộ Y tế là để tăng cường miễn dịch phòng bệnh Covid-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản.
Đến chiều 29/1, nước ta đã tiêm hơn 180,8 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó tiêm mũi 2 là hơn 74 triệu liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) gần 27,4 triệu liều.
Từ ngày 29/1, cũng là ngày đầu tiên trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cả nước bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc-xin thần tốc mùa Xuân năm 2022 theo phát động của Thủ tướng Chính phủ.
Các lực lượng sẽ "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ các đối tượng được chỉ định.
Theo mục tiêu, hết tháng, sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 12-17 tuổi; trong quý 1/2022, hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, trừ các đối tượng chống chỉ định.
(Theo baogiaothong)