Tích lũy đến ngày 9/2, toàn thành phố Hải Phòng đã ghi nhận 4.117 giáo viên (331 ca), học sinh (3.786 ca) dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, ghi nhận số bệnh nhân là học sinh tiểu học (1.540 trường hợp) và trung học (1.115 trường hợp) chiếm tỷ lệ cao nhất.
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, từ ngày 7/2 học sinh các cấp trên địa bàn đã trở lại trường học trực tiếp.
Để đảm bảo công tác giảng dạy an toàn phòng chống COVID-19, Sở đã phối hợp với Sở Y tế và các quận huyện xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết đưa học sinh trở lại trường.
Liên ngành đã thành lập nhiều đoàn công tác tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, hiệu trưởng và giáo viên về xử lý các tình huống phát sinh khi tổ chức dạy trực tiếp. Các cơ sở giáo dục phải có biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo hướng dẫn.
Còn lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng thông tin, Sở đã thành lập 4 đoàn kiểm tra do lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị điều kiện dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Đồng thời, cử nhiều chuyên gia y tế tập huấn cho nhân viên y tế cơ sở phương án cách ly, điều trị và xử lý các tình huống phát sinh liên quan các F0 là giáo viên, học sinh.
Trước đó, ngày 9/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác đã về kiểm tra hoạt động dạy học trực tiếp sau Tết, công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục tại TP Hải Phòng.
Kiểm tra tại trường tiểu học Minh Tân, THCS Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên) và trường THPT Ngô Quyền (quận Lê Chân), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao TP Hải Phòng đã chủ động chuẩn bị, đảm bảo các điều kiện đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Các điểm trường đều có quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, thầy và trò sẵn sàng ứng phó với các trường hợp phát sinh, chuẩn bị tốt tâm lý tạo không gian dạy học bình thường.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, việc đưa học sinh từ mầm non đến đại học, đặc biệt cấp mầm non và phổ thông đến trường ở thời điểm này là cần thiết và phải được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.
Cả nước đã tiêm trên 184 triệu liều vắc xin phòng COVID-19
Thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 14h ngày 10/2 cho biết cả nước đã tiêm tổng cộng 184,129,785 liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó ngày 9/2 tức mùng 9 tháng Giêng, cả nước tiêm hơn 400.000 liều vắc xin phòng COVID-19 (thấp hơn khoảng 100.000 liều so với ngày trước đó).
Đến ngày 9/2, số vắc xin phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 167.362.118 liều, trong đó mũi 1 là 70.693.199 liều; mũi 2 là 67.962.069 liều; mũi bổ sung là 11.070.631 liều; Mũi 3: 17.636.219 liều
52/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 11/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 82% - dưới 90% gồm: Hải Phòng, Bắc Giang, Phú Thọ, Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn, Lào Cai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Tây Ninh, Cần Thơ, Kiên Giang.
Số vắc xin phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.367.328 liều, trong đó mũi 1 là 8.461.193 liều; mũi 2 là 7.906.135 liều.
Có 39/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 15/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 80-dưới 90%; 9/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 44% - dưới 80% gồm: Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Dương.
(Theo TPO)