Yên Bái cấp bách kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong trường học

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/2/2022 | 7:25:11 AM

YênBái - Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần, số ca mắc Covid-19 trong trường học tăng mạnh. Chỉ tính riêng trong ngày 15/2, các trường học trên địa bàn tỉnh có 271 F0, trong đó có 249 F0 là học sinh và 22 F0 là giáo viên.

Nhân viên y tế Trường PTDTBT THCS Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải tuyên truyền phòng dịch cho học sinh.
Nhân viên y tế Trường PTDTBT THCS Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải tuyên truyền phòng dịch cho học sinh.

Mặc dù, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã có những dự đoán và có sự chuẩn bị hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch và tổ chức hoạt động giáo dục thích ứng, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 trong các cơ sở giáo dục. Song, việc gia tăng các ca mắc trong trường học ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của học sinh, phụ huynh, giáo viên và ảnh hưởng tới thực hiện các nhiệm vụ giáo dục. Làm thế nào để kiểm soát dịch bệnh Covid trong trường học đang là sự quan tâm đặc biệt ngay lúc này của toàn xã hội. 

Theo số liệu từ Sở GD&ĐT, lũy kế từ ngày 28/11/2021 đến ngày 14/02/2022, toàn ngành GD&ĐT có 15.489 cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc các đối tượng F0, F1, F2, trong đó có 97 F0; 2.082 F1; 49.448 F2. Có 68.249 học sinh thuộc các đối tượng F0, F1, F2, trong đó có 1.218 F0; 17.583 F1; 49.448 F2. Hiện nay, đã có 133/1.315 ca F0 đã được điều trị khỏi bệnh (119 HS và 14 GV)... 

Trong tuần đầu, học sinh trở lại trường học sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ ngày 07/02 - 12/02/2022, đã có 441 F0, trong đó có 23 F0 giáo viên và 418 F0 học sinh). Trên 100 đơn vị trường học của tỉnh đã có ca mắc. 

Bà Tô Thị Ánh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Do kỳ nghỉ tết với giáo viên và học sinh dài (16 ngày), cán bộ, giáo viên, học sinh đã tiếp xúc với người thân đi làm ăn xa trở về địa phương dịp tết Nguyên đán 2022. Sau kỳ nghỉ tết, các em đến trường, một số em đã tiếp xúc và lây nhiễm Covid-19 cho bạn cùng lớp, cùng phòng ở. Mặt khác, một số trường hợp nhiễm không có triệu chứng gì, chỉ khi test tầm soát mới phát hiện ra. Do đó số lượng F0 trong học sinh có xu hướng gia tăng trong những ngày đầu trở lại trường học”. 

Thành phố Yên Bái là địa phương có số học sinh, giáo viên mắc Covid-19 nhiều nhất trong toàn tỉnh. Phòng GD&ĐT thành phố luôn quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong các cơ sở giáo dục. Mặc dù cũng đã quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện triệt để công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học, tuy nhiên sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán số lượng F0 tăng mạnh. Lũy kế từ ngày 28/12/2021 đến 10 giờ ngày 14/2, thành phố Yên Bái có 290 F0 là học sinh và 12 F0 là giáo viên. 

Ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố cho biết: "Đối với lớp có học sinh F0 thì các giáo viên chủ nhiệm thông tin tới phụ huynh đưa con đến các cơ sở y tế để test hoặc test tại nhà bằng kit test có bán trên thị trường. Số ca nhiễm là học sinh của thành phố hiện nay chủ yếu ở bậc mầm non, tiểu học, cấp THCS ít hơn. Do đó, cán bộ, giáo viên thành phố cũng rất mong chờ triển khai chương trình tiêm phòng ở độ tuổi 5-11”. 

Thị xã Nghĩa Lộ cũng là địa phương có số ca nhiễm cao với 183 ca F0 là giáo viên và học sinh lũy kế tính đến ngày 14/2. Đối tượng mắc chủ yếu là học sinh tiểu học và mầm non. Qua công tác truy vết, nguyên nhân chủ yếu lây qua người nhà đi học, đi làm ăn xa trở về địa phương trong dịp tết vừa qua. 

Bà Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã cho biết: "Ngành GD&ĐT thị xã chỉ đạo thực hiện tầm soát cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các đơn vị trường học và tổ chức tầm soát cho học sinh tại các trường, lớp có nguy cơ cao và đến nay tỷ lệ tầm soát của học sinh trên địa bàn thị xã là 32,1%. Xác định việc tầm soát là rất cần thiết và quan trọng trong công tác phòng, chống dịch trong trường học, các nhà trường đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để có sự ủng hộ của phụ huynh. Theo đó, mỗi học sinh đóng góp tự nguyện từ 15 đến 20 nghìn đồng trong 1 lần test. Đến ngày 14/2, các nhà trường đã chi số kinh phí gần 170 triệu đồng cho công tác tầm soát. Tuy nhiên việc tầm soát thực hiện định kỳ liên tục nên để tiếp tục thực hiện công tác này sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong trường học hiện nay thì việc tầm soát là hết sức quan trọng. Trong khi lực lượng y tế tại các địa phương còn mỏng thì cần tập huấn cho nhân viên y tế các trường về cách xét nghiệm để kịp thời thực hiện tầm soát định kỳ hoặc hỗ trợ cán bộ y tế địa phương khi xuất hiện ca F0. Đồng thời thực hiện lấy mẫu gộp cho học sinh cùng bàn hoặc bàn trên, bàn dưới để tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, các đơn vị trường học cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho học sinh phòng dịch ngay tại gia đình mình... 

Bà Tô Thị Ánh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh: "Ngành GD&ĐT tỉnh xác định trong thời gian tới, toàn ngành bám sát sự chỉ đạo các cấp trong phòng chống dịch Covid-19; các nhà trường tăng cường truyền thông, động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh hạn chế di chuyển, tuân thủ 5K; nâng cao trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống dịch Covid-19; giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp với phụ huynh để nắm bắt tình hình sức khỏe của học sinh. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt thông điệp 5K; các nhà trường hạn chế tổ chức hoạt động tập trung đông người, không cần thiết, để giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc giữa học sinh với học sinh, giáo viên với học sinh; tuyên truyền tới phụ huynh cách chăm sóc ca F0 tại gia đình. Khi có ca F0, F1 trong trường thì phải xử lý theo 4 bước theo sổ tay Phòng, chống dịch do Bộ GD&ĐT ban hành”. 

Ngành cũng xác định, các đơn vị học sinh ăn nghỉ trưa tại trường xem xét, nghiên cứu tổ chức cho học sinh học 1 buổi/ngày, không tổ chức ăn ngủ tại trường để giảm tiếp xúc. Đối với các đơn vị có học sinh bán trú, nội trú thì thực hiện quyết liệt thông điệp 5K, hạn chế tối đa tiếp xúc từ bên ngoài. Các nhà trường phối hợp với cơ sở y tế xét nghiệm tầm soát cho cán bộ, giáo viên, học sinh sau tết Nguyên đán theo tỷ lệ; đối với những lớp, trường có F0 thì xét nghiệm tầm soát; chuẩn bị các điều kiện khi tiêm vắc-xin cho trẻ 5 - 11 tuổi được triển khai; nắm bắt tình hình để kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế khẳng định: "5K là giải pháp duy nhất để giảm số ca mắc Covid-19 nói chung và trong trường học nói riêng hiện nay. Chúng ta bắt đầu vào cuộc chiến mới, vắc-xin không ngăn được sự lây nhiễm nhưng giảm được số nhập viện và số tử vong - điều đó đã là rất tốt rồi. Hiện nay, dịch đang từ cộng đồng xâm nhập vào nhà trường và sẽ đến giai đoạn dịch từ nhà trường lan ra cộng đồng nên nếu không thực hiện tốt 5K thì số ca mắc sẽ ngày càng tăng. Vì vậy mỗi nhà trường, mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và người dân Yên Bái hãy thực hiện tốt 5K”.

Thanh Ba

Tags Yên Bái kiểm soát dịch bệnh Covid-19 giáo viên trường học

Các tin khác
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến ngày 16/2.

Từ 16h ngày 15/2 đến 16h ngày 16/2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 34.737 ca mắc mới, gồm 14 ca nhập cảnh và 34.723 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.936 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 25.026 ca trong cộng đồng).

Trường THCS Yên Ninh, thành phố Yên Bái linh hoạt nhiều phương án dạy và học để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Ảnh: Thanh Chi

Ngày 16/2, tỉnh Yên Bái ghi nhận 595 ca mắc mới; trong đó: 56 ca cộng đồng, 518 ca từ F1, 21 ca về từ tỉnh có dịch. Trong ngày có 98 bệnh nhân đủ điều kiện ra viện. Lũy kế 2.164/4.554 bệnh nhân ra viện.

Biến thể Omicron cũng không gây sốt cao như biến thể Delta, trong khi đau đầu và buồn nôn là hai trong số các triệu chứng chủ yếu khi nhiễm Omicron...

Học sinh tiểu học TP HCM đến trường học tập trực tiếp từ ngày 14-2.

Bộ Y tế đang xin ý kiến các bộ, chuyên gia và trao đổi với Bộ Giáo dục- Đào tạo, trên cơ sở có thể điều chỉnh theo dõi sức khỏe tại nhà xuống còn 7 ngày cho tất cả học sinh là F1, kể cả đã tiêm vắc-xin hay chưa tiêm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục