Trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, số ca mắc tăng cao, người dân đang có nhu cầu xét nghiệm nhiều hơn. Để đáp ứng nhu cầu này, các cơ sở kinh doanh thuốc, thậm chí nhiều cá nhân đã đẩy mạnh việc cung cấp sản phẩm kit test nhanh Covid-19. Tuy nhiên, nhiều nguy cơ tiềm tàng cũng xuất hiện giữa bối cảnh loại sản phẩm này được rao bán tràn lan.
Kit test được bán tràn lan
Sau khi một người đồng nghiệp thông báo có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, chị Phan Trà My (26 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) nhanh chóng tìm tới các hiệu thuốc trên đường về để mua kit test nhanh kháng nguyên cho bản thân và gia đình.
"Tại một chi nhánh của hiệu thuốc Long Châu, tôi được giới thiệu 3 loại kit test với 3 mức giá khác nhau gồm 85.000, 95.000 và 110.000 đồng”, chị My nói.
Có phần bối rối và do chưa tìm hiểu quá nhiều về các loại kit test, chị My quyết định chọn mua loại có giá cao nhất là 110.000 đồng với tâm lý "đắt xắt ra miếng”. Người phụ nữ này cho rằng loại giá cao nhất sẽ chính xác nhất.
Gặp tình trạng tương tự, anh V.M.K. (25 tuổi, ngụ Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết bản thân đã tìm mua kit test nhanh ở cả các hiệu thuốc gần nhà và trên mạng.
"Ở mỗi nơi, tôi lại được giới thiệu một loại kit test khác nhau với nhiều mức giá. Thậm chí cùng một loại, mức giá tại mỗi nơi cũng có sự chênh lệch nhất định”, anh K. cho hay.
Sau khi cân nhắc, anh quyết định mua từ một người bán hàng trên mạng xã hội với mức giá 75.000 đồng/bộ. Anh K. cho biết bản thân cũng không rõ sản phẩm thuộc loại nào và mua khi thấy nhiều người đặt hàng cùng mức giá hợp lý.
Tình trạng này cũng xảy ra trên các nền tảng mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada,... Ngay sau khi gõ từ khóa "test nhanh Covid-19”, hàng loạt sản phẩm với xuất xứ từ Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc,... nhanh chóng hiện ra cùng nhiều mức giá khác nhau.
Các sản phẩm này cũng được cung cấp bởi nhiều cửa hàng khác nhau. Một số đơn vị bán hàng thậm chí không chuyên về thuốc hay trang thiết bị y tế vẫn rao bán sản phẩm này.
Khảo sát tại một hiệu thuốc bán lẻ trên đường Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội), nhân viên bán hàng giới thiệu hiện có bán 2 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 gồm cả lấy dịch mũi và dịch họng. Hai loại này đều có giá 80.000 đồng/bộ. Nhân viên này cũng khẳng định lấy đúng hàng từ công ty, có hóa đơn đỏ nên đảm bảo chắc chắn về giá, chất lượng.
Tại Pharmacity, hộp kit xét nghiệm Humasis Covid-19 Ag Home Test có xuất xứ tại Hàn Quốc gồm 5 bộ được bán với giá 525.000 đồng (tương đương 105.000 đồng/bộ). Nếu mua lẻ, mỗi bộ sẽ được bán với giá 110.000 đồng.
Cách chọn kit test nhanh
Theo tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Đại học Sydney, Australia), người dân có thể lựa chọn kit test theo các bước sau:
Bước một, tìm mua các loại kit test đã được WHO khuyến cáo và Bộ Y tế cấp phép như PanbioTM Covid-19 Ag Rapid Test Device (Nasal) hay Panbio Covid-19 Ag Rapid Test Device (Nasopharyngeal).
Nếu không tìm được những loại trên, bạn có thể xác định các sản phẩm kit test được Bộ Y tế cấp phép cùng mức giá tham khảo được công bố gồm:
Trong số các loại kit test đã được cấp phép trên, bạn có thể lựa chọn sản phẩm có độ nhạy cao cho F0 với chỉ số CT từ 25 đến 30.
Cuối cùng, nếu vẫn chưa thể tìm mua loại kit test đạt tiêu chí trên, bạn có thể lựa chọn loại kit test được cấp phép có độ nhạy cao cho F0 với chỉ số CT nhỏ hơn 25.
Dưới đây là kết quả của một nghiên cứu tại Đức về độ nhạy của các loại test nhanh kháng nguyên Covid-19 (PV tổng hợp những loại đã được Bộ Y tế cấp phép) đối với từng mức CT (tải lượng virus).
Cơ sở nào được bán kit test?
Dựa trên Nghị định số 36/2016/NĐ-CP và Nghị định số 169/2018/NĐ-CP của Chính phủ, theo nguyên tắc phân loại trang thiết bị y tế, kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hiện được xếp vào loại B, C, D.
Cũng theo nội dung được nêu trong nghị định, điều kiện để các cơ sở kinh doanh có thể mua, bán kit test nhanh bao gồm:
Có ít nhất một nhân viên kỹ thuật sở hữu trình độ cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật, y, dược, cao đẳng kỹ thuật trang thiết bị y tế trở lên hoặc trình độ cao đẳng trở lên với chuyên ngành được đào tạo phù hợp loại trang thiết bị này.
Có kho bảo quản và phương tiện vận chuyển đáp ứng các điều kiện tối thiểu sau:
- Kho bảo quản diện tích phù hợp với chủng loại, số lượng trang thiết bị y tế; bảo đảm thoáng, khô ráo, sạch sẽ, không gần nguồn gây ô nhiễm; đáp ứng yêu cầu bảo quản khác của trang thiết bị y tế theo hướng dẫn sử dụng.
- Phương tiện vận chuyển trang thiết bị y tế từ cơ sở mua bán đến nơi giao hàng phù hợp với loại trang thiết bị y tế đó.
Trường hợp không có kho hoặc phương tiện bảo quản, cơ sở mua, bán phải có hợp đồng với đủ năng lực để bảo quản và vận chuyển trang thiết bị y tế.
Liên quan vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định test nhanh phải được thực hiện đúng kỹ thuật cũng như sản phẩm đạt chuẩn. Việc lấy mẫu không chuẩn, sản phẩm kit test không đảm bảo chất lượng sẽ dẫn đến cho kết quả sai, gây ảnh hưởng tới việc phòng dịch.
"Để xác định rõ nguy cơ của việc test sai, chúng ta sẽ phải đánh giá, thống kê xem tỷ lệ sai là bao nhiêu, lượng người xét nghiệm sai như thế nào. Từ đó mới có thể nhận định mức độ ảnh hưởng tới công tác phòng dịch”, ông Phu nói thêm.
(Theo Zing)