Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 25/2, đã có 360.495.963 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 65.182.566 ca bệnh đang điều trị, có 65.103.847 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,9%) và 78.719 ca (chiếm 0,1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 225 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy trong ngày qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 849.949 ca nhiễm và 3.238 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 153.870.728 ca nhiễm mới và 1.699.173 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Đức, Nga và Pháp có số ca nhiễm mới trong ngày qua nhiều nhất tại châu Âu khi có thêm lần lượt 218.431; 132.998 và 66.732 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận. Trong khi đó, Nga là nước có số ca mới tử vong vì COVID-19 trong ngày qua cao nhất khu vực với 762 ca, tiếp sau đó là Ba Lan (341 ca) và Pháp (281 ca).
Với 114.377.796 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 25/2, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong một ngày qua, châu lục ghi nhận thêm 621.493 ca nhiễm mới và 2.161 ca đã tử vong do COVID-19. Trong ngày qua, 3 quốc gia có số người mới nhiễm cao nhất tại châu Á là: Hàn Quốc (170.006 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (79.708 ca) và Nhật Bản (77.810 ca); 3 quốc gia có số trường hợp mới tử vong nhiều nhất do COVID-19 là: Indonesia (317 ca), Ấn Độ (304 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (281 ca).
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 94.587.059 ca, trong đó có 1.395.710 ca tử vong và 64.917.113 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, với 57.137 ca nhiễm COVID-19 mới, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực; tiếp sau là Mexico với 18.671 ca và Canada với 4.383 ca nhiễm mới. Cùng với đó, Mỹ cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong ngày qua với 1.421 ca; sau đó là Mexico với 449 ca, Canada với 70 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 142.259 ca nhiễm và 1.332 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 53.885.903 ca và 1.253.775 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực khi có thêm 93.145 ca nhiễm mới, sau đó là Chile với 30.675 ca, và Argentina với 10.298 ca nhiễm mới. Đồng thời, với 900 ca tử vong ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất khu vực vì COVID-19; tiếp sau là Chile với 224 ca và Argentina với 97 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 25/2, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 11.495.818 ca, trong đó có 248.690 ca tử vong và 10.549.019 ca bình phục. 3 quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất châu lục là: Nam Phi (3.667.560 ca), Morocco (1.160.303 ca); Tunisia (992.574 ca). Và 3 quốc gia có số ca tử vong nhiều nhất là: Nam Phi (99.018 ca), Tunisia (27.640 ca) và Ai Cập (23.927 ca).
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 3.406.736 ca nhiễm (tăng 32.510 ca) và 7.638 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 46 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 24.988 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.126.115 ca, trong đó 5.065 ca tử vong (tăng 39 ca).
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày 24/2, Bộ Y tế Canada đã cấp phép sử dụng đối với Covifenz - một loại vaccine phòng COVID-19 do hãng công nghệ sinh học Medicago sản xuất tại Canada. Loại vaccine hai liều này có nguồn gốc từ thực vật, được phép sử dụng cho những người từ 18 - 64 tuổi. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy Covifenz đạt hiệu quả 71% trong việc bảo vệ chống lại COVID-19 một tuần sau liều tiêm thứ hai. Hai mũi tiêm phải cách nhau 21 ngày. Covifenz là loại vaccine thứ sáu được phê duyệt ở Canada, sau khi Bộ Y tế Canada phê duyệt vaccine Novavax vào tuần trước. Vaccine Covifenz cũng chứa tá dược của nhà sản xuất GlaxoSmithKline để giúp tăng cường phản ứng miễn dịch.
(Theo dangcongsan.vn)