Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 80,78 triệu ca mắc và hơn 980.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 16.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phúc tạp, nhiều bang của Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị phương án bước sang trạng thái sống chung với COVID-19. Californria, bang đông dân nhất của Mỹ, từng là tâm dịch và từng áp đặt các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt nhất. Kế hoạch mới của bang Californria có tên SMARTER, tạm dịch là thông minh hơn, là tập hợp những chữ cái đầu của các biện pháp sẽ được triển khai gồm đẩy mạnh tiêm phòng; khuyến khích đeo khẩu trang; tăng cường giám sát dịch bệnh; sẵn sàng ứng phó; mở rộng xét nghiệm; thúc đẩy giáo dục cộng đồng và nâng cao năng lực điều trị.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 3/3, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,94 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 514.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 650.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 28,84 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Các quy định yêu cầu mọi người trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi đến các địa điểm công cộng sẽ được dỡ bỏ tại Pháp từ ngày 14/3. Thông tin trên được kênh truyền hình BFM TV đăng tải trong bối cảnh nước này đang từng bước nới lỏng các quy định y tế phòng dịch COVID-19 khi có nhiều dấu hiệu cho thấy, làn sóng lây nhiễm thứ 5 đang dần thuyên giảm.
Bắt đầu từ tuần này, khi đến những nơi công cộng như viện bảo tàng, rạp chiếu phim hay nhà hàng, quán bar, khách hàng chỉ cần trình chứng nhận tiêm chủng mà không cần phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, khẩu trang vẫn bị bắt buộc đối với hành khách sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, tàu điện ngầm, tàu hỏa hoặc máy bay. Với những trường học nằm trong vùng an toàn hoặc ở các khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh, học sinh có thể bỏ khẩu trang trong giờ ra chơi và tham gia các hoạt động tập thể. Trường hợp có tiếp xúc với người bệnh, trẻ sẽ chỉ cần tự xét nghiệm một lần sau hai ngày tiếp xúc. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, trẻ có thể đến trường học như bình thường.
Australia hoàn toàn mở cửa cho khách du lịch đã tiêm vaccine sau khi Tây Úc vào ngày 3/3 đã trở thành bang cuối cùng ở nước này dỡ bỏ các hạn chế đi lại ở biên giới bang. Bang Tây Úc đã đóng cửa biên giới bang đối với hầu hết khách du lịch quốc tế và biên giới với các bang khác vào năm 2020 nhằm kiềm chế đà lây lan của đại dịch COVID-19.
Ngày 3/3, bang Tây Úc đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại bốn tháng sau khi thành phố Sydney bắt đầu mở cửa trở lại theo quy trình du lịch miễn kiểm dịch và hơn một tuần sau khi tất cả khách du lịch đã tiêm phòng đủ điều kiện để được cấp thị thực nhập cảnh vào Australia.
Sân bay Perth, sân bay nội địa và quốc tế ở Redcliffe, bang Tây Úc, đã chứng kiến những cuộc đoàn tụ đầy xúc động khi chuyến bay đầu tiên trong số 22 chuyến bay nội địa theo lịch trình và 5 chuyến bay quốc tế đến bang này vào ngày 3/3.
Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học Cuba (CIGB) tái khẳng định quan tâm đến việc nộp đơn đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt vaccine Abdala ngừa COVID-19 do cơ quan này nghiên cứu và phát triển. CIGB cho biết, Tập đoàn Công nghệ sinh học và dược phẩm BioCubaFarma và Trung tâm Kiểm soát Nhà nước về Thuốc, Thiết bị và Vật tư Y tế của Cuba vẫn duy trì trao đổi với các chuyên gia của WHO và Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) về vấn đề này.
Cuba được xem là "điểm sáng” về vaccine của Mỹ Latin trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại khu vực này. Đây là quốc gia Mỹ Latin duy nhất tự sản xuất vaccine ngừa COVID-19, với các vaccine Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, cùng 2 chế phẩm đang được thử nghiệm lâm sàng là Mambisa và Soberana 01. Vaccine ngừa COVID-19 của Cuba đã được xuất khẩu sang Venezuela, Nicaragua, Iran, Mexico và Việt Nam.
Ngày 3/3, Koryo Tours, công ty du lịch có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) chuyên tổ chức các tour du lịch Triều Tiên cho biết, Triều Tiên đã hủy cuộc chạy marathon thường niên ở Bình Nhưỡng năm thứ 3 liên tiếp do đại dịch COVID-19. Giải Marathon Quốc tế Mangyongdae ban đầu được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 10/4 tới tại Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, trên trang web của công ty, Koryo Tours cho biết, sự kiện này năm nay đã chính thức bị hủy. Công ty này cũng cho biết, trong năm 2023, giải marathon này dự kiến được tổ chức vào ngày 9/4, nhưng sự kiện có diễn ra hay không còn phụ thuộc vào tình hình biên giới Triều Tiên.
Giải Marathon Quốc tế Mangyongdae đã bị hủy trong các năm 2020 và 2021 khi Triều Tiên đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Tại Nam Mỹ, Tổng thống Chile Sebastian Pinera thông báo nước này đã nối lại các lớp học bắt buộc trực tiếp đối với tất cả học sinh trong nước, trong bối cảnh tiếp tục thực hiện các quy định đặc biệt phòng chống dịch nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và gần 90% học sinh đã được tiêm vaccine phòng bệnh.
Theo Tổng thống Pinera, trường học là nơi an toàn vì tất cả các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã được thực hiện. Ông cho biết thêm, để thực hiện tốt việc giảng dạy và học tập trực tuyến, Bộ Giáo dục Chile đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện các quy trình y tế và giám sát dịch tễ học, trong đó có việc lắp đặt hệ thống thông gió và thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn. Ngoài ra, Tổng thống Pinera xác nhận, Chile cũng dỡ bỏ quy định số học sinh tối đa tham gia học tập tại mỗi lớp do tỷ lệ học sinh tiêm vaccine đạt mức cao.
Tổng cục Du lịch Thái Lan đặt mục tiêu thu hút ít nhất 1,5 triệu khách du lịch từ các điểm đến chặng ngắn bằng cách hợp tác với các hãng hàng không để thúc đẩy nhu cầu. Tổng cục Du lịch Thái Lan cho biết, khi các quy định về du lịch trong khu vực được nới lỏng và du khách từ Việt Nam, Malaysia, Campuchia và Singapore có thể đi du lịch mà không cần cách ly khi trở về, Thái Lan kỳ vọng sẽ thu hút 800.000 khách du lịch từ Đông Nam Á trong năm nay.
Trong khi đó, bong bóng du lịch hàng không với Ấn Độ sẽ có hiệu lực khi 12 hãng hàng không của cả hai nước sẵn sàng hoạt động từ tháng này. Ước tính khoảng 500.000 du khách Ấn Độ sẽ đến thăm Thái Lan trong năm nay. Tổng cục Du lịch Thái Lan đặt mục tiêu thu hút 200.000 khách du lịch Australia, đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh.
Nhiều nước mở cửa sống chung với COVID-19, số người tử vong vì đại dịch sát mốc 6 triệu ca - Ảnh 2.
Thái Lan hướng tới du khách từ các điểm đến chặng ngắn. (Ảnh: AP)
Nhật Bản đang xem xét gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm tại ít nhất 15/31 địa phương khi các biện pháp này hết hạn vào 6/3 tới. Giới chức Nhật Bản cho biết, quyết định trên được xem xét trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, nơi dịch bệnh vẫn diễn biến khá phức tạp, tỷ lệ sử dụng giường bệnh trên 50%.
Mặc dù nới lỏng kiểm soát biên giới nhưng ở trong nước, Chính phủ Nhật Bản vẫn giữ quan điểm thận trọng về dịch COVID-19 khi quyết định gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm thêm hai tuần ở 18 trong tổng số 31 tỉnh/thành. Như vậy, các biện pháp phòng dịch trọng điểm sẽ hết hạn ở 13 tỉnh/thành vào ngày 6/3 tới, nhưng tiếp tục có hiệu lực ở 18 địa phương khác, trong đó có thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka, cho tới ngày 21/3.
Theo quy trình, Thủ tướng Nhật Bản Kishida sẽ tham vấn ý kiến của Nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ vào ngày 4/3 trước khi công bố chính thức. Chính phủ Nhật Bản cũng đang cân nhắc nâng số lượng người nhập cảnh nước này mỗi ngày từ 5.000 người/ngày lên 7.000 người/ngày. Kế hoạch điều chỉnh này nhằm đáp ứng kêu gọi từ cộng đồng doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong nước đang có nhu cầu rất lớn về nguồn cung lao động và du học sinh nước ngoài.
Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) vừa phân loại và thiết lập một đội ngũ xe taxi để chuyên chở bệnh nhân COVID-19. Mỗi xe này sẽ được gắn thông báo "dành riêng cho bệnh nhân COVID-19". Người dân cần gọi điện đặt trước khi có nhu cầu chở bệnh nhân tới điều trị tại bệnh viện. Hiện đội xe này đã có hơn 500 tài xế lái taxi và xe bus tham gia. Các tài xế này sẽ phải mang đồ bảo hộ trong cả ngày làm việc và được xét nghiệm nhanh sau khi kết thúc ca làm. Hong Kong hiện đang tiếp tục: ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng cao kỷ lục, với hơn 55.000 ca mắc mới được ghi nhận trong ngày 3/3.
Dịch vụ tàu điện ngầm, xe bus, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất ở Hong Kong (Trung Quốc) đã giảm dịch vụ trong tuần này do đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng. 98 tuyến xe bus sẽ bị đình chỉ hoạt động do các nhà khai thác đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng. ParknShop, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất thành phố này, cho biết đã rút ngắn giờ mở cửa tại hơn 200 cửa hàng để bảo vệ nhân viên và khách hàng của mình. Một số cửa hàng sẽ đóng cửa sớm nhất vào lúc 15h hàng ngày.
Các chuyên gia y tế từ Đại học Hong Kong ước tính, tuần tới dự kiến đặc khu hành chính này sẽ có số ca nhiễm mới cao nhất với khoảng 183.000 trường hợp mắc bệnh mỗi ngày.
Đại dịch COVID-19 đã gây hậu quả nặng nề về sức khỏe tâm thần, đây là nhận định mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra. Theo WHO, số trường hợp mắc các bệnh về tâm thần như lo âu và trầm cảm đã tăng tới hơn 25% trên toàn cầu. Riêng trong năm đầu diễn ra đại dịch, số ca mắc hội chứng rối loạn trầm cảm cũng tăng hơn 27%.
Những nơi ghi nhận tình trạng gia tăng cao nhất là những nơi ghi nhận tỷ lệ ca mắc mới hàng ngày và tình trạng hạn chế di chuyển ở mức cao. Trẻ em gái và phụ nữ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nam giới. Người trẻ, đặc biệt trong nhóm tuổi từ 20 - 24, chịu tác động nghiêm trọng hơn người cao tuổi. Theo báo cáo của WHO, người rối loạn tâm thần cũng có nguy cơ cao hơn bị bệnh nặng hoặc tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, cần có thêm các nghiên cứu về vấn đề này.
(Theo VTV)