Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 81,12 triệu ca mắc và hơn 991.900 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 12.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Cục An ninh vận tải Hoa Kỳ mở rộng yêu cầu của liên bang đến hết ngày 18/4 về việc du khách phải đeo khẩu trang trên máy bay, tại sân bay, trên tàu hỏa và xe bus. Đây là thông tin do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đưa ra. Việc gia hạn yêu cầu đeo khẩu trang trên máy bay, tại sân bay, trên tàu hỏa và xe bus được đưa ra khi chính quyền Mỹ, các thành phố và bang đã dỡ bỏ phần lớn quy định về việc sử dụng khẩu trang cũng như những chính sách phòng chống dịch khác trong bối cảnh số trường hợp nhiễm COVID-19 hàng ngày giảm. Yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc nói trên được ấn định sẽ hết hạn từ ngày 19/3.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 11/3, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,98 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 515.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 654.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 29,24 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Cơ quan quản lý các sân bay châu Âu và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế đã kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19 đối với các chuyến bay nội địa ở châu Âu. Trong tuyên bố chung, hai tổ chức này cho rằng cần dỡ bỏ các quy định xuất trình chứng nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính và khai báo y tế tại điểm đến, cũng như quy định đeo khẩu trang trên các chuyến bay giữa các nước châu Âu.
Tuyên bố chung nhấn mạnh, nhiều nước châu Âu đã hoặc đang xem xét dỡ bỏ các quy định đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc trình chứng nhận tiêm chủng tại các sự kiện. Do đó, việc bãi bỏ các hạn chế tương tự đối với vận tải hàng không là hợp lý.
Đức từ ngày 20/3 sẽ gỡ bỏ hầu hết quy định phòng chống dịch COVID-19 và chỉ duy trì một số biện pháp bảo vệ cơ bản như đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và xét nghiệm để bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong các viện dưỡng lão hoặc bệnh viện.
Tuy nhiên, mỗi bang vẫn có thể tái áp đặt các biện pháp phòng dịch tại điểm nóng trong điều kiện số ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh hoặc nếu một biến thể mới đáng lo ngại xuất hiện. Để tái áp đặt những biện pháp này, nghị viện các bang phải bỏ phiếu và phải xác định rõ phạm vi điểm nóng.
Bộ Y tế New Zealand mới đây đã công bố hướng dẫn về thời điểm tiêm vaccine liều cơ bản hoặc mũi tăng cường đối với những trường hợp đã mắc và khỏi bệnh COVID-19. Theo bài viết đăng ngày 11/3 trên trang tin tức stuff.co.nz của New Zealand, Bộ Y tế nước này khuyến nghị, với những người mắc COVID-19 sau khi tiêm vaccine mũi một, cần chờ ít nhất 4 tuần sau khi khỏi bệnh để có thể tiêm mũi thứ hai. Đây cũng là thời gian chờ tiêm được khuyến nghị với những người đã hoàn thành liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 muốn tiêm mũi tăng cường.
Trong khi đó, với những người mắc COVID-19 sau khi tiêm mũi thứ hai, Bộ Y tế New Zealand khuyến nghị chờ ít nhất 3 tháng mới có thể tiêm mũi tiếp theo (mũi tăng cường).
Ngày 11/3, New Zealand ghi nhận trên 21.000 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 328.800 trường hợp, bao gồm 91 bệnh nhân thiệt mạng.
Cơ quan Y tế quốc gia Pháp cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 72.399 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt trong ngày qua giảm.
Cùng ngày, Viện Pasteur đã công bố đánh giá về tình hình COVID-19 tại khu vực đô thị Pháp, theo đó dự báo tỉ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi Pháp dỡ bỏ các hạn chế y tế phòng dịch vào ngày 14/3 sắp tới có thể tăng từ 50% đến 130% so với những tháng trước đó trong năm nay. Viện Pasteur nhận định, số ca mắc mới hàng ngày có thể vượt qua 100.000 ca trong tháng 3.
Trước đó, Chính phủ Pháp thông báo, đến ngày 14/3, Pháp sẽ không bắt buộc phải đeo khẩu trang tại các khu vực trong nhà, ngoại trừ trên các phương tiện công cộng và các cơ sở y tế. Người dân cũng không cần phải trình chứng nhận đã tiêm vaccine tại hầu hết các địa điểm công cộng trong nhà, ngoại trừ bệnh viện, nhà dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc.
Thái Lan sẽ triển khai một chiến dịch tiêm chủng cho người cao tuổi vào cuối tháng 3 này để ngăn chặn sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong dịp Tết cổ truyền Songkran vào giữa tháng 4 tới. Trợ lý phát ngôn viên Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) Sumanee Wacharasin chiều 10/3 cho biết các nhà chức trách sẽ huy động các nguồn lực để khuyến khích những người trên 60 tuổi tiêm liều vaccine tăng cường để duy trì khả năng miễn dịch cao trước kỳ nghỉ Songkran, còn gọi là Lễ hội té nước.
Ngày 11/3, Thái Lan ghi nhận thêm 24.792 ca nhiễm mới cùng 63 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Tổng cộng đã có trên 3,13 triệu dân ở nước này nhiễm COVID-19, trong đó có 23.578 người không qua khỏi. Trước đó, vào ngày 9/3, giới chức y tế Thái Lan đã thông qua kế hoạch 4 bước chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu từ ngày 1/7.
Từ ngày 15/3, khách nước ngoài nhập cảnh vào Singapore qua Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine sẽ chỉ phải tự xét nghiệm nhanh trong vòng 24 tiếng sau khi nhập cảnh, chụp ảnh kết quả và thông báo kết quả lên website thay vì phải tới một cơ sở y tế chỉ định để xét nghiệm như trước đây.
Tới thời điểm này, Singapore đã thiết lập Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, làn với Việt Nam sẽ có hiệu lực từ thứ ngày 16/3. Du khách Việt Nam đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ chỉ phải xét nghiệm 48 tiếng trước khi nhập cảnh vào Singapore, nhưng phải mua bảo hiểm du lịch có mức chi trả tối thiểu 30.000 SGD cho các bệnh liên quan tới COVID-19.
Từ ngày 21/3, những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ và có đăng ký lịch sử tiêm chủng sẽ được miễn cách ly khi nhập cảnh Hàn Quốc. Với những người đã tiêm vaccine ở Hàn Quốc, lịch sử tiêm chủng sẽ tự động được đăng ký. Với người tiêm chủng ở nước ngoài, có thể nhập trực tiếp lịch sử tiêm chủng của mình vào hệ thống thông tin kiểm dịch Q-CODE của Hàn Quốc trước khi nhập cảnh và đính kèm giấy chứng nhận để được hưởng quy chế miễn cách ly.
Tuy nhiên, người nhập cảnh từ 4 quốc gia là Pakistan, Uzbekistan, Ukraine và Myanmar không được hưởng quy chế này và vẫn phải tự cách ly trong 7 ngày.
Sau hai ngày số ca mắc mới vượt mốc 300.000 ca, ngày 11/3, Hàn Quốc đã ghi nhận 282.976 trường hợp lây nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua. Tuy số ca mắc giảm nhưng số ca tử vong tăng ở mức cao kỷ lục với 229 bệnh nhân.
Ngày 11/3, thành phố Trường Xuân thuộc tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc đã ban bố lệnh phong tỏa nhằm kiềm chế ổ dịch COVID-19 mới bùng phát Theo quy định mới, một người chỉ được phép ra khỏi nhà 2 ngày một lần để mua nhu yếu phẩm. Chính quyền thành phố cũng cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm đại trà.
Do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron, trong vòng 24 giờ qua, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng hơn 1.300 ca mắc mới tại hơn một chục tỉnh thành trên cả nước. Đây là mức cao nhất trong vòng 2 năm qua.
Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) lên kế hoạch chỉ mở cửa trở lại sau khi thành phố này kiểm soát được đợt bùng phát COVID-19 ngày càng sâu rộng hiện nay. Trung tâm tài chính toàn cầu này đã áp đặt những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất thế giới nhằm ngăn chặn đà tăng số ca nhiễm COVID-19, khiến Hong Kong phải hứng chịu số bệnh nhân tử vong trên một triệu người cao nhất toàn cầu trong tuần tính đến ngày 7/3, theo Our World in Data.
Tổng số ca nhiễm đã tăng lên khoảng trên 617.400 người, trong đó có hơn 3.000 trường hợp tử vong, đa số diễn ra trong hai tuần qua. Hong Kong đã áp dụng biện pháp phong tỏa biên giới hiệu quả kể từ năm 2020 với rất ít chuyến bay có thể hạ cánh tại thành phố này và hành khách bị cấm quá cảnh.
Phiên bản lai của virus SARS-CoV-2 kết hợp gene của các biến thể Delta và Omicron, được gọi là Deltacron, đã được xác định ở ít nhất 17 bệnh nhân ở Mỹ và châu Âu. Vì có quá ít trường hợp mắc Deltacron được xác nhận nên còn quá sớm để có thể đánh giá ngang hàng nhằm xác định liệu Deltacron có khiến virus lây lan nhanh hoặc gây ra bệnh nặng hay không.
Theo một báo cáo chưa được công bố của công ty nghiên cứu di truyền học Helix đã được xác định ở Mỹ, hai trường hợp nhiễm Deltacron không liên quan khác đã được báo cáo cho medRxiv. Trong thông báo nghiên cứu virus, các nhóm khác đã báo cáo thêm 12 trường hợp nhiễm Deltacron ở châu Âu kể từ tháng 1/2022, tất cả đều có sự gia tăng đột biến Omicron và Delta.
(Theo VTV)