Theo Bloomberg (Mỹ) ngày 11/3, các chuyên gia y tế công cộng tại WHO đã khởi động thảo luận về phương pháp và thời kiểm tuyến bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu do dịch COVID-19. Đây được coi là cột mốc quan trọng sau hơn 2 năm kể từ khi COVID-19 bùng phát.
WHO cho biết thảo luận sẽ tập trung vào các điều kiện nào là tín hiệu cho thấy tình trạng khẩn cấp y tế công cộng được tuyên bố vào ngày 30/1/2020 đã kết thúc. Một tuyên bố như vậy sẽ không chỉ là bước đi mang tính biểu tượng và còn tác động đến nhiều chính sách y tế công cộng thời kỳ dịch bệnh.
WHO xác nhận: "Ủy ban Khẩn cấp Quy định Y tế Quốc tế về COVID-19 đang xem xét những tiêu chí cần thiết để tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng được quốc tế quan tâm. Nhưng ở thời điểm này, chúng ta chưa đạt đến mức đó”.
Nhiều quốc gia trên khắp thế giới đã áp dụng các biện pháp để quay trở lại hoạt động xã hội bình thường, nới lỏng quy định đeo khẩu trang, cách ly và mở cửa biên giới, đón khách du lịch. Tuy nhiên, vẫn có một số quốc gia ghi nhận kỷ lục ca lây nhiễm. WHO cho biết trong tuần qua đã có thêm 10 triệu ca mắc COVID-19 và 52.000 trường hợp tử vong.
Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng ngay cả khi các trường hợp mắc COVID-19 giảm xuống mức thấp hơn, dịch bệnh này vẫn có khả năng gây ra hàng nghìn ca tử vong hàng năm, không giống như những căn bệnh khác như sốt rét và lao. Ngoài ra, vẫn không thể dự đoán được liệu có xuất hiện biến thể mới, nguy hiểm hơn hay không.
Trước đây, WHO rất cẩn trọng khi tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu và các dịch bệnh bùng phát. Quyết định về việc tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp sẽ do Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra sau khi tham vấn với các chuyên gia.
WHO đã công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020. Theo kênh ABC News (Mỹ), đại dịch là căn bệnh thường lây lan rộng và mạnh với nguy cơ số ca mắc gia tăng ở một khu vực rộng lớn. Trong khi đó, virus gây bệnh đặc hữu lại tồn tại lâu dài và mang tính lây lan có thể dự đoán được. Đặc điểm có thể dự đoán được này tạo điều kiện để các bác sĩ và hệ thống chăm sóc sức khỏe chuẩn bị và thích nghi, giảm thiểu trường hợp tử vong.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 40 phút sáng 12/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 455.511.952 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.057.847 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 389.032.204 người.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 81.154.960 ca mắc và 993.044 trường hợp tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, với 42.987.461 ca. Tuy nhiên, Brazil là nước ghi nhận số trường hợp tử vong cao thứ hai thế giới, với 654.612 ca.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 163,7 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 124,1 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 95,5 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ trên 55 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,6 triệu ca và châu Đại Dương trên 4,1 triệu ca nhiễm.
(Theo Tin tức)