Người dân hiểu sai, chủ quan với vaccine COVID-19 sau khi khỏi bệnh
Cụ N.T.N (90 tuổi - Hà Nội) phải nằm 1 chỗ nhiều ngày vì đau cứng lưng sau khi đi tiêm vaccine COVID-19 mũi 3. Thấy vậy, con cháu cụ N rất lo lắng. Những người khác trong gia đình cụ tỏ ra sợ và không muốn tiêm vaccine COVID-19 các mũi tiếp theo nữa. Vì họ cho rằng cả gia đình đã mắc COVID-19 và khỏi bệnh.
"Mẹ tôi bị đau lưng mấy ngày liền sau tiêm vaccine, đau đến mức phải nằm không dậy được khiến cả gia đình lo lắng, bản thân tôi sau khi tiêm mũi 4 về cũng bị choáng váng, xây xẩm mặt mày. Mà bây giờ COVID-19 đã không còn nguy hiểm nữa, nên tôi vừa bảo mọi người trong gia đình phải cân nhắc việc tiêm các mũi 3, mũi 4”- bà N.T.D - con gái cụ N.T.N chia sẻ.
Gia đình bà D là một trong số rất nhiều các trường hợp tỏ ra e ngại khi tiêm vaccine COVID-19 các mũi tiếp theo.
"Tôi cũng không muốn tiêm mũi 3, 4 vaccine COVID-19 nữa. Vì tôi đã tiêm 2 mũi và đã mắc bệnh rồi” - anh C.H.Đ (32 tuổi - Hà Nội) nói.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, mặc dù ngành y tế các địa phương đã hết sức nỗ lực trong công tác thực hiện tiêm chủng, tuy nhiên do tâm lý chủ quan của người dân trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều đối tượng đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng việc tiêm mũi 3 và 4 là không cần thiết.
"Ở một địa bàn của một tỉnh khu vực miền Trung, ngành y tế địa phương tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại một điểm tiêm, nhưng từ sáng đến trưa chỉ có 63 người đến tiêm, dù trước đó đã phát giấy mời đến 800 người dân đi tiêm mũi bổ sung, nhắc lại” - đại diện Viện Pasteur Nha Trang cho biết.
Báo cáo với Bộ Y tế, Sở Y tế Đồng Nai, tỉnh Tây Ninh cũng khẳng định, lực lượng y tế địa phương đã đi tuyên truyền, vận động ở nhiều nơi, đã tổ chức các điểm tiêm tại khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp… để làm sao tiêm hết vaccine đã được phân bổ, không phải rơi vào tình trạng tồn… nhưng tỉ lệ tiêm rất ít. Có nhà máy ở Đồng Nai có đến hơn 30.000 người lao động, nhưng qua vận động, tổ chức 5-6 bàn tiêm trực tiếp tại nhà máy cũng chỉ có 480 người tiêm mũi 3.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, các chuyên gia tiêm chủng đều cho rằng, sự chủ quan của người dân trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều trường hợp đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.
"Có 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm bổ sung vaccine phòng COVID-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo” - Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương dẫn chứng.
Hàng chục triệu liều vaccine có nguy cơ phải hủy bỏ
Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận trên 251 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại khác nhau. Đã phân bổ 228,8 triệu liều vaccine, còn lại hơn 22,2 triệu liều vaccine Moderna và Pfizer.
Đến hết ngày 23.6 cả nước đã tiêm 227 triệu mũi vaccine phòng COVID-19 các loại. Công tác tiêm chủng đảm bảo an toàn.
Hiện nay, các mục tiêu tiêm chủng liều cơ bản và tiêm bổ sung cho người lớn cơ bản hoàn thành. Cụ thể như hoàn thành với tỉ lệ tiêm mũi 1 và 2 khoảng 100%; Mục tiêu tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi cơ bản hoàn thành, tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản trên 95%. Mục tiêu tiêm nhắc cho người lớn: Tỉ lệ người đủ điều kiện đã được tiêm mũi 3 mới đạt 64,7%. Tiến độ tiêm nhắc trong những ngày gần đây có chiều hướng chậm. Số liều tiêm mũi 4 mới đạt hơn 2,5 triệu.
Về mục tiêu tiêm cho nhóm 5 - dưới 12 tuổi với mũi 1 đạt 47,1%, một số địa phương đang triển khai mũi 2 cho nhóm đối tượng này (10,8%).
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, nước ta đã đạt độ bao phủ vaccine cơ bản cho các đối tượng theo quy định. Chúng ta đã kiểm soát được tình hình và chuyển sang bình thường mới.
"Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, lơ là vì dịch vẫn diễn biến khó lường, có nguy cơ quay lại tăng số mắc, trên thực tế một số quốc gia đã tăng ca bệnh trở lại. Do đó, cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19. Đặc biệt, đối với TP.Hồ Chí Minh, cũng như các tỉnh phía Nam phải nâng tỉ lệ cao hơn nữa, hiện tốc độ tiêm chủng rất chậm so với các tỉnh miền Trung và phía Bắc” - ông nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, đối tượng cần tiêm vaccine phòng COVID-19 rất nhiều nhưng chúng ta tiêm chưa hết chứ không phải thừa vaccine. Về đối tượng tiêm, liều lượng tiêm, loại vaccine tiêm cho các đối tượng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn mới nhất tại văn bản số 3309 ban hành ngày 23.6.
"Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát, xác định đối tượng tiêm, tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tiêm vaccine cho các đối tượng theo hướng dẫn. Căn cứ vào kế hoạch được phân bổ vaccine, xây dựng kế hoạch tiêm từng tuần, tiêm ở địa phương nào, đơn vị nào, ai chịu trách nhiệm giám sát… Có như thế chúng ta mới tiêm hết vaccine và hết đối tượng theo hướng dẫn” - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
(Theo LĐO)