Theo kết quả nghiên cứu, số lượng trẻ em trai cần hỗ trợ từ các dịch vụ khẩn cấp tăng gấp 2 lần, sau đó tăng gấp 3 đối với số trẻ cần được chăm sóc.
Trong khi đó, con số này đối với các bé gái tự làm hại bản thân tiếp tục tăng cao trong những đợt phong tỏa.
Báo cáo trên được đưa ra sau khi một nghiên cứu khác cho rằng những người sống trong cảnh nghèo đói có nhiều khả năng bị COVID-19 kéo dài.
Các bác sĩ tâm thần đã kêu gọi thêm tài trợ và phát triển những dịch vụ sức khỏe tâm thần cộng đồng sau khi những phát hiện này được công bố trên BJPsych Open của Đại học Tâm thần Hoàng gia Anh.
Nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học King's College London đã phân tích dữ liệu từ 2.073 lượt khám bệnh viện khẩn cấp cho trẻ em và thanh niên tại 10 quốc gia, bao gồm cả Anh, so sánh trong thời điểm từ tháng 3 đến tháng 4/2020 với cùng kỳ năm 2019.
Ben Hoi-ching Wong, nhà nghiên cứu lâm sàng tại East London NHS Foundation Trust và Đơn vị phục hồi thanh niên tại Đại học Queen Mary, London, cho biết: "Đại dịch đã mang tới nhiều thay đổi đáng kể cho cuộc sống của trẻ em và thanh niên. Đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể xem xét cụ thể tác động của các lệnh đóng cửa trên phạm vi quốc tế.
Các đợt phong tỏa đã tác động đến hành vi tự làm hại bản thân và tìm kiếm sự giúp đỡ ở một số thanh thiếu niên nhiều hơn những nhóm người khác, và những khác biệt này cũng thể hiện rõ ở các quốc gia khác.
Nghiên cứu này nhấn mạnh chúng ta cần đa dạng hóa các phương pháp tiếp cận để hỗ trợ thanh thiếu niên có nguy cơ tự làm hại bản thân và đặc biệt lưu ý đến việc giải quyết mối quan tâm hoặc lo lắng của họ khi tìm kiếm sự trợ giúp về y tế và tâm lý".
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong khi áp lực ở trường và với bạn bè trở thành nguyên nhân ít phổ biến hơn, các biện pháp hạn chế COVID-19 có thể dẫn đến việc tự làm hại bản thân nhiều hơn, liên quan đến việc suy nghĩ quá mức và các phương cách đối phó tiêu cực tại nhà.
Họ cũng cho biết, trẻ em từ những khu vực thiếu thốn hơn ít đến các khoa cấp cứu hơn và ít có khả năng tiếp cận với các mạng lưới hỗ trợ cộng đồng hơn.
Tiến sĩ Elaine Lockhart, Chủ nhiệm Khoa Trẻ em và vị thành niên tại Đại học Tâm thần Hoàng gia Anh, cho biết: "Chúng tôi hỗ trợ càng sớm, mọi người càng ít có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần lâu dài. Điều quan trọng là phải xem xét tác động của các biện pháp được áp dụng trong đại dịch đối với việc tự làm hại bản thân, qua đó chúng ta có thể lập kế hoạch cho các dịch vụ sức khỏe tâm thần cho tương lai.
Đó là cách duy nhất để đảm bảo tất cả trẻ em và thanh thiếu niên nhận được sự hỗ trợ sức khỏe tinh thần cần thiết khi họ cần".
(Theo VTV)