Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 97,49 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,078 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 18/9, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,53 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 528.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 154.600 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 34,91 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Brazil có số ca mắc COVID-19 cao thứ tư thế giới sau với trên 34,62 triệu trường hợp, trong đó có hơn 33,7 triệu ca đã bình phục. Tuy nhiên, số người thiệt mạng vì đại dịch này cao thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ với hơn 685.400 bệnh nhân...
Viện Y tế quốc gia Nam Phi xác nhận phát hiện dòng phụ mới BA.2.75 của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Người phát ngôn viện trên, Foster Mohale, cho biết, dòng phụ mới được phát hiện lần đầu hồi tháng 7 trong một mẫu bệnh phẩm thu thập tại Gauteng và từ đó chưa được phát hiện thêm ở những vùng khác. Người phát ngôn này cho biết, dòng phụ mới phát hiện được xếp vào nhóm biến thể đáng quan tâm, chưa đến mức đáng lo ngại.
Dòng phụ này cũng chưa cho thấy có bất kỳ tác động hay nghiêm trọng như các dòng phụ BA.4 và BA.5 đang phổ biến hiện nay. Người phát ngôn Mohale cho biết, các dòng phụ BA.4 và BA.5 tiếp tục là những dòng phụ gây bệnh phổ biến nhất tại Nam Phi nhưng ít nguy hiểm hơn do mức độ miễn dịch trong toàn dân đã cao hơn. Viện trên kêu gọi cộng đồng không lo lắng quá.
Nam Phi đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế vì COVID-19 trong bối cảnh các ca mắc mới tiếp tục giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa chấm dứt, giới chức y tế kêu gọi người dân đi tiêm phòng các mũi cơ bản (với người chưa tiêm) và mũi tăng cường để bảo vệ bản thân. Hơn 50% dân số Nam Phi đã được tiêm phòng COVID-19.
Trong bản báo cáo COVID-19 hàng tuần mới nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo, số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 trong tuần gần nhất đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 khi tổ chức này tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Dù cho rằng đây là đánh giá tích cực nhất về tình hình dịch bệnh sau hơn 2 năm bùng phát nhưng WHO một lần nữa kêu gọi các nước duy trì cảnh giác, nhấn mạnh vai trò của vaccine phòng bệnh.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ví cuộc chiến chống dịch COVID-19 hiện nay giống như cuộc chạy marathon và đây là giai đoạn nước rút, là lúc thế giới phải chạy nhanh hơn để đảm bảo có thể cán đích và đạt thành quả sau thời gian dài nỗ lực. Theo ông, các quốc gia cần cẩn trọng xem xét và củng cố các chính sách phòng COVID-19 cũng như những dịch bệnh vì virus khác gây ra trong tương lai. Ông Tedros kêu gọi các nước tiêm phòng 100% cho những nhóm nguy cơ cao và duy trì xét nghiệm phát hiện ca bệnh. Các quốc gia cũng cần duy trì nguồn cung trang thiết bị y tế và nguồn nhân lực y tế phù hợp.
Trong khi đó, chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm của WHO, bà Maria Van Kerkhove cho biết, thế giới sẽ còn trải qua các làn sóng lây nhiễm khác tại những thời điểm khác nhau, do những biến thể hoặc dòng phụ của biến thể của virus SARS-CoV-2 gây ra. Làn sóng COVID-19 mùa hè vừa qua do dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron gây ra cho thấy đại dịch vẫn chưa kết thúc, virus vẫn đang lây lan ở châu Âu và nhiều nơi khác. Đồng thời, bà nhấn mạnh, thế giới đã có công cụ phòng chống dịch quan trọng là vaccine và các phương thức điều trị bệnh.
(Theo HNMO)