Thực trạng "tiêm phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván" đáng báo động
Những tác động của đại dịch trong năm 2021 đã làm đình trệ chuỗi cung ứng, cũng như khả năng tiếp cận đối với các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm (ngoài vắc xin COVID-19). Điều này khiến trẻ nhỏ dễ bỏ lỡ các mũi vắc xin quan trọng trong giai đoạn đầu đời, mà tiêu biểu là mũi DPT phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván.
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại Việt Nam, ước tính có khoảng 251.972 trẻ em đã bỏ lỡ một hoặc nhiều liều DPT trong chương trình tiêm chủng thường xuyên (gấp 4 lần so với năm 2019).
Bước sang năm 2022, tình hình khả quan hơn khi Chính phủ Việt Nam nỗ lực đưa việc tiêm chủng thường xuyên cho trẻ trở lại đúng quỹ đạo. Thế nhưng, trong thời gian vừa qua, cả nước phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt một số loại vắc xin cơ bản như vắc xin phòng Sởi, vắc xin DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM thông báo, vắc xin phối hợp 5 trong 1 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bệnh do vi khuẩn Hib) cũng dự kiến sẽ thiếu vào tháng 12.
Trước tình trạng thiếu hụt các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đang có những hành động quyết liệt để nhanh chóng giải quyết vấn đề này. Về phía bố mẹ, việc tìm kiếm một giải pháp để đảm bảo con được tiêm đủ liều, đúng lịch đang là điều ưu tiên hàng đầu.
Giải pháp giúp trẻ dưới 2 tuổi tiêm phòng đủ liều, đúng lịch
Theo giới chuyên gia, các mũi vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cần được tiêm đủ liều và đúng lịch, để giúp tối ưu hiệu quả bảo vệ trẻ. Đặc biệt đối với nhóm trẻ dưới 2 tuổi, vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và lượng kháng thể truyền từ mẹ giảm dần sau 4 đến 6 tháng, trẻ cần được tăng cường kháng thể qua tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm như sởi, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, bệnh do Hib,…
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, chia sẻ: "Kháng thể phòng các bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, ho gà, uốn ván được bổ sung qua các mũi tiêm phối hợp 5 trong 1 hoặc 6 trong 1, phòng chung với các bệnh viêm gan B, bệnh do Hib và bại liệt (đối với vắc xin 6 trong 1).
Theo khuyến cáo, các mũi tiêm nên được hoàn thành theo các mốc thời gian khi trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi và tiêm nhắc vào lúc trẻ được 18 tháng".
Vắc xin DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) hiện được sử dụng miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, được khuyến cáo tiêm lúc trẻ 15-18 tháng tuổi (mũi nhắc lại) sau khi đã tiêm 3 mũi đầu là vắc-xin 5 trong 1 của TCMR.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt vắc xin DPT và thông tin về việc dự kiến thiếu vắc xin 5 trong 1 trong tương lai gần, đang khiến nhiều bố mẹ hoang mang khi lộ trình tiêm chủng của trẻ có thể bị gián đoạn, khiến hiệu quả phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván từ đó suy giảm.
Để đảm bảo con được tiêm đầy đủ, đúng lịch các mũi vắc xin quan trọng, bố mẹ cần có sự chuẩn bị kĩ càng như tìm hiểu thông tin về các loại vắc-xin, ghi chú lịch hoặc đặt trước các mũi tiêm,… Bố mẹ cũng nên thường xuyên rà soát lại quá trình tiêm chủng của trẻ, để kịp thời tiêm bù nếu con nhỡ lịch hoặc tiêm chưa đủ liều.
"Hai năm đầu đời rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ nhỏ, bố mẹ nên chú trọng xây dựng hệ miễn dịch vững mạnh cho con bằng cách thực hiện tiêm phòng đủ liều đúng lịch.
Trước tình trạng thiếu hụt các vắc xin quan trọng như hiện nay, bố mẹ cần chủ động tìm các giải pháp thay thế, như cân nhắc một số loại vắc xin dịch vụ có tác dụng tương đồng. Như vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 trong tiêm chủng dịch vụ có thể phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và 3 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác là viêm gan B, bệnh do vi khuẩn Hib và bại liệt, đối với vắc xin 6 trong 1." – Bác sĩ Ngô Đức Hùng nhấn mạnh.
(Theo TTO)