Tại tuyến tỉnh, Bệnh viện YHCT được trang bị nhiều phương tiện từ hiện đại như: máy XQ kỹ thuật số, máy đo độ loãng xương toàn thân, máy từ trường siêu dẫn, điện tim, lưu huyết não, hệ thống điều trị bằng oxy cao áp... cho đến các trang thiết bị YHCT như: máy sắc thuốc đóng túi tự động, dàn sắc thuốc thang, máy điện châm... phục vụ nhu cầu điều trị của người bệnh.
Bệnh viện thường xuyên ứng dụng và triển khai đa dạng các kỹ thuật trong điều trị, kết hợp giữa YHCT với y học hiện đại, mang lại nhiều hiệu quả trong điều trị các bệnh lý về cơ, xương khớp, nâng cao thể trạng cho người cao tuổi và bệnh nhân ung thư bằng thuốc YHCT, nhất là những bệnh nhân đang điều trị xạ trị, hóa chất...
Đến nay, Bệnh viện đã thực hiện được 1.203/1.504 danh mục kỹ thuật được phê duyệt, trong đó có 1.158/1.409 kỹ thuật cùng tuyến và 45/95 kỹ thuật vượt tuyến. Năm 2022, công suất sử dụng giường bệnh đạt 85,6% với hơn 26.000 lượt người khám, gần 4.000 lượt điều trị nội trú.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã thành lập Khoa YHCT và Phục hồi chức năng, kết hợp 2 đơn vị chuyên ngành là YHCT và phục hồi chức năng ngay sau khi Bệnh viện đi vào hoạt động năm 2016.
Ngoài việc đầu tư trang bị cơ sở vật chất, Khoa còn triển khai phòng khám trực tiếp, bệnh nhân đến tái khám có thể yêu cầu chỉ định bác sĩ đã từng điều trị thăm khám để quá trình điều trị được liên tục, không bị gián đoạn.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực này cũng ngày càng được chú trọng. Các đơn vị thường xuyên cử cán bộ tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đưa các kỹ thuật mới, kết hợp tốt YHCT và y học hiện đại vào khám và điều trị. Hội đông y được thành lập ở các cấp triển khai thường xuyên các hoạt động nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn, phát triển YHCT và trồng, sử dụng cây thuốc nam tại cộng đồng. Mỗi hội đông y cấp huyện có 1 phòng chẩn trị YHCT; 124 chi hội đông y gắn với hoạt động của trạm y tế cấp xã hoặc các ông lang, bà mế có uy tín trong vùng. Phong trào trồng cây thuốc nam cũng được các chi hội quan tâm triển khai thực hiện.
Năm 2022, toàn tỉnh đã trồng mới và tu bổ được 546 vườn thuốc nam, trong đó có 171 vườn ở trạm y tế cấp xã và trường học. Đây không chỉ là nơi bảo tồn các giống cây thuốc mà còn thông qua hướng dẫn của cán bộ y tế, người dân sẽ biết cách dùng thuốc nam trong phòng, điều trị một số bệnh thông thường, nhất là ở các vùng khó khăn. Nhiều chi hội đông y còn vận dụng kiến thức chuyên môn và áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển các bài thuốc cổ phương hay nghiên cứu bào chế các dạng thuốc hiện đại đem lại sự tiện dụng cho người sử dụng. Tỉnh cũng có nhiều chính sách để phát triển cây dược liệu vừa tạo sinh kế vừa tạo nguồn dược liệu tại chỗ.
Giai đoạn 2021-2025, cây dược liệu là 1 trong 10 sản phẩm nằm trong nhóm đặc sản địa phương, được hỗ trợ phát triển mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn với diện tích khoảng 5.000 ha, được quản lý, kiểm soát nguồn giống đầu vào, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống, chăm sóc, thu hái và bảo quản theo nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO.
Có thể thấy, ngày ncàng có nhiều bệnh nhân, đặc biệt là người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính có nhu cầu được thăm khám, điều trị bằng YHCT bởi những hiệu quả, ít tác dụng phụ và rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh.
Bà Nguyễn Thị Sâm (thành phố Yên Bái) chia sẻ: "Tuổi tôi đã cao, xương khớp thường xuyên đau mỏi. Sau khi uống thuốc đông y kết hợp điều trị các biện pháp y học như điện châm, châm cứu, bấm huyệt tại Bệnh viện YHCT tỉnh tôi thấy đỡ đau, thoải mái, đi lại dễ hơn”.
Theo thống kê của ngành y tế tỉnh, năm 2022, tổng số lượt khám YHCT kết hợp y học hiện đại toàn tỉnh là 192.424 lượt, trong đó tỷ lệ khám YHCT so với tổng số lượt khám, chữa bệnh chiếm 11,7%.
Hoài Anh