Trong hệ thống y tế, YTCS được coi là nền tảng, là tuyến y tế ban đầu gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được CSSK cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất. Xác định rõ vai trò quan trọng này, nhiều năm nay, phát triển YTCS luôn là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong quá trình lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế tiếp tục thực hiện đổi mới YTCS một cách toàn diện, đồng bộ, hướng tới "bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân", bảo đảm để tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần mà không phải chịu khó khăn về tài chính.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành 3/12 nghị quyết chuyên đề liên quan trực tiếp đến sự nghiệp phát triển y tế; HĐND tỉnh ban hành 7 nghị quyết cụ thể hóa thành các chính sách để đưa nguồn lực vào triển khai thực hiện các hoạt động của lĩnh vực y tế; UBND tỉnh cũng đã ban hành 2 đề án để tổ chức thực hiện công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân với tổng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó riêng kinh phí dành cho YTCS là hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm 66%.
Mặc dù nguồn lực còn nhiều khó khăn song tỉnh luôn ưu tiên và phân bổ nguồn lực để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, vật chất, trang thiết bị cho hệ thống y tế; đồng thời tăng cường thu hút các nguồn lực dành cho chi đầu tư.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh có kế hoạch chi cho lĩnh vực y tế chiếm 11,2% chi thường xuyên của tỉnh, trong đó có 28% chi sự nghiệp y tế dành cho YTCS. Nhờ đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh đã, đang và sẽ được nâng cấp, đầu tư.
Năm 2022, ngành y tế đã xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 44 trạm y tế và Trung tâm Y tế huyện Văn Yên; tiếp tục triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải tại Trung tâm Y tế huyện Lục Yên và 8 phòng khám đa khoa khu vực; triển khai 4 dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các trung tâm y tế huyện; phối hợp với các cơ quan chức năng để chuẩn bị Dự án "đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị” cho 7 trung tâm y tế tuyến huyện của tỉnh với tổng mức đầu tư 187 tỷ đồng.
Cùng với đó, công tác phát triển nhân lực y tế cũng được quan tâm với đa dạng hình thức như: liên kết đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức theo địa chỉ; thu hút y, bác sĩ chất lượng cao; luân phiên cán bộ tuyến huyện về công tác tại các trạm y tế nhằm tăng cường nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng cho tuyến xã, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn... Tất cả đã giúp hệ thống YTCS trên địa bàn tỉnh phát triển với nhiều kết quả tích cực: 89% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 94% xã triển khai xây dựng trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; 94% xã có bác sĩ làm việc; 99,7% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Toàn tỉnh cũng đã đạt tỷ lệ 10,8 bác sĩ/10.000 dân; 34,6 giường bệnh/10.000 dân.
Với việc chú trọng, tăng cường thực hiện đồng bộ 6 giải pháp được coi là yếu tố quan trọng để phát triển YTCS từ thể chế chính sách, tổ chức bộ máy, tăng cường quản lý nhà nước, nguồn lực cho đến nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đến nay, hệ thống YTCS trên địa bàn tỉnh đã và đang ngày càng khẳng định được chất lượng dịch vụ chăm sóc, khám chữa bệnh cho nhân dân; nhiều kỹ thuật y tế mới, chuyên sâu, phức tạp đã được thực hiện thành công.
Người dân được thụ hưởng nhiều dịch vụ y tế có chất lượng ngay ban đầu, góp phần giảm thiểu chi phí và nâng cao mức độ hài lòng của người bệnh. Năm 2022, đã có hơn 430.580 lượt người dân đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, tỷ lệ khám chữa bệnh tuyến xã đạt trên 40% tổng số lượt khám, chữa bệnh toàn tỉnh.
Hoài Anh