Sở Y tế Hà Nội lý giải nguyên nhân COVID-19 có xu hướng gia tăng
- Cập nhật: Thứ năm, 13/4/2023 | 2:03:56 PM
YênBái - Trước diễn biến số ca mắc COVID-19 tăng cao đột biến tại miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội, lãnh đạo CDC Hà Nội đã có khuyến cáo người dân không bỏ quên vaccine và tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 3 đúng quy lịch.
|
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm đến ngày 12/4, trên địa bàn thành phố ghi nhận 661 mắc COVID-19, không có ca tử vong. Tỷ lệ người bệnh không triệu chứng và nhẹ chiếm hơn 95%. Trong đó, ghi nhận 131 ca mắc là trẻ em rải rác trên địa bàn toàn thành phố, tỷ lệ này cũng tương đồng so với giai đoạn trước và thấp hơn so với tỷ lệ nhiễm cúm mùa.
Từ 1/4 đến nay, số mắc COVID-19 tại Hà Nội có xu hướng tăng nhẹ. Theo các chuyên gia, COVID-19 là loại bệnh do virus họ cúm lây truyền qua đường hô hấp và thường diễn biến tăng lên theo mùa, đặc biệt là dễ lây lan trong thời tiết nồm, ẩm như hiện nay.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận định: "Hà Nội đang ở thời điểm giao mùa, là điều kiện thuận lợi cho sự gia tăng các dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh hô hấp. Ngày 12/4/2023, trên nhiều diễn đàn phụ huynh xôn xao về chuyện tăng số ca mắc COVID-19, các trường học ở Hà Nội tính phương án học online. Đối với nội dung này, thành phố đã xác nhận là thông tin không chính xác, cũng đã có trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo".
Cũng theo Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, trong trường hợp lớp học có ca mắc COVID-19, có thể học sinh phải đeo khẩu trang khi học: "Hiện nay, số ca mắc vẫn trong kiểm soát, không thể vì lớp có 1 đến 2 ca mắc mà cho cả lớp, cả trường nghỉ học được".
Về tiêm vaccine COVID-19, lãnh đạo CDC Hà Nội nhấn mạnh, hiện nay, người dân không cần phải đăng ký tiêm theo số và Hà Nội cũng không tổ chức các điểm tiêm tập trung như trước. Theo đó, người có thể tiêm tại trạm y tế các phường, xã trên địa bàn hoặc sang phường khác tiêm bởi "vaccine COVID-19 không quy định ai ở phường nào phải tiêm ở phường đó".
"Như nhiều lần khuyến cáo trước đó, việc tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh, nhưng vaccine sẽ giúp làm giảm những biến chứng nặng, vì thế mọi người dân nên tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ, nhất là giai đoạn này. Nếu ai chưa tiêm đủ 2 mũi cần đi tiêm đầy đủ. Ai tiêm đủ rồi, đến thời gian tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 thì cần phải đi tiêm theo đúng lịch", ông Tuấn nói.
Để chủ động phòng, chống các dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch hoặc chất sát khuẩn; thực hiện thường xuyên đeo khẩu trang tại các khu công cộng; Thực hiện nghiêm khuyến cáo 2K của Bộ Y tế. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, cần chủ động thông báo ngay cho Trạm y tế trên địa bàn nơi sinh sống để được tư vấn kịp thời.
Đối với các trường học, cơ quan, đơn vị cần định kỳ vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh, thường xuyên lau, rửa, khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc, đồ chơi, dụng cụ học tập của trẻ. Căn cứ vào tình hình thực tế dịch trên địa bàn, cũng như về chuyên môn y tế thì các hoạt động trong sinh hoạt, lao động và học tập vẫn tiếp tục diễn ra bình thường trên địa bàn.
COVID-19 vẫn tồn tại trong cộng đồng
Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho rằng, thời gian qua, nhờ tiêm vaccine và thực hiện các biện pháp phòng bệnh, COVID-19 đã giảm. Song, thực tế COVID-19 chưa mất đi, vẫn tồn tại và lây lan trong cộng đồng.
"Đợt này, số ca mắc tăng co thể do miễn dịch của người đã tiêm vaccine bị giảm đi, có thể bị nhiễm lại. Ngoài ra, thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển. Đặc biệt, sự lơ là với các biện pháp phòng bệnh như không đeo khẩu trang cũng dẫn đến tình trạng bệnh lây lan", ông Phu nói.
Ông Phu cũng cho rằng, việc công bố số mắc hiện nay không sát với thực tế do nhiều người nhiễm bệnh không xét nghiệm hoặc có xét nghiệm dương tính nhưng không thông báo. Vì vậy, ngành y tế cần phải đánh giá chính xác nguy cơ, giải trình tự gene xem có phát hiện biến thể mới, biến chủng vô hiệu hóa vaccine hay không. Từ đó, có kế hoạch đáp ứng dịch cho thích hợp, không bất ngờ. Nếu không sẽ gây quá tải hệ thống y tế, số ca nặng và tử vong sẽ tăng
Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa công bố hết tình trạng khẩn cấp với dịch COVID-19, do đó, ông Phu cho rằng, Việt Nam cần theo dõi tiếp, phối hợp với WHO để có phương hướng công bố dịch bệnh phù hợp..
Với khuyến cáo ngày 28/3 của WHO về việc trẻ em, thanh thiếu niên khỏe mạnh không nhất thiết tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường, ông Phu cho rằng Bộ Y tế cần có kế hoạch nghiên cứu để khuyến cáo người dân tiêm vaccine cho phù hợp.
"Song tôi vẫn khuyến cáo bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, người bệnh nền, người suy giảm miễn dịch nên tiêm vaccine đầy đủ", ông Phu nói.
(Theo VOV)
Các tin khác
Theo báo cáo của Hệ thống giám sát dịch bệnh tỉnh, thời gian gần đây số ca mắc COVID-19 trong cả nước có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương. Tại tỉnh Yên Bái, trung bình ghi nhận 1-2 ca mắc/tuần, lũy tích số ca mắc cho đến nay là 159.114 trường hợp mắc. Tuy nhiên từ ngày 6/4 đến nay có xu hướng gia tăng (ghi nhận 2 ca mắc/ngày), ngày 11/4 phát hiện chùm ca bệnh trên 10 ca mắc tại thành phố Yên Bái.
Để chủ động phòng, chống các bệnh dịch truyền nhiễm bùng phát trong mùa hè, huyện Văn Yên đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch ngay từ khi bắt đầu vào mùa nắng nóng.
Ngày 12/4, Bộ Y tế đã có công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 trên cả nước có chiều hướng gia tăng, ngày 12/4/2023, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh đã ký Công văn số 1042/UBND- XV yêu cầu các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Yên Bái.