Yên Bái yêu cầu tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/8/2024 | 10:11:50 AM

YênBái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh vừa ký ban hành Công văn số 3104 yêu cầu tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các cơ quan báo chí, truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần theo dõi và thường xuyên, cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới và trong nước để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với điều kiện thực tiễn tỉnh. 

Tăng cường giám sát chủ động tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ. Lồng ghép giám sát, dự phòng với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, da liễu...

Tổ chức tập huấn, cập nhật cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát và các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đảm bảo việc thu dung, phân luồng, cách ly, điều trị và phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuẩn bị thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng đáp ứng và triển khai các biện pháp phòng, chống trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao đồng thời khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế…

Được biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua (27/8) đã khởi động một chiến dịch toàn cầu mang tên "Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược" nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người. Hiện một biến thể nguy hiểm của virus đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở ít nhất 6 quốc gia châu Phi, khiến WHO cũng như các cơ quan y tế lục địa phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, đồng thời khuyến cáo các quốc gia cần tiếp tục cảnh giác và phối hợp chặt chẽ để đối phó với tình trạng khẩn cấp này. Ngày 22/8, Thái Lan đã xác nhận ca đậu mùa khỉ biến thể mới đầu tiên ở châu Á. Ca nhiễm biến thể 1b của virus đậu mùa khỉ được phát hiện ở Thái Lan có lịch sử đi lại qua một nước đang lưu hành bệnh.

Trước việc WHO công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với dịch bệnh này, Bộ Y tế sáng 19/8 đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur; các bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.


Các triệu chứng nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ:

Có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai...).

Có một hoặc nhiều triệu chứng sau: đau đầu, sốt (>38,5°C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể, mệt mỏi.

Có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau: Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh; trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có quan hệ với nhiều bạn tình.

Các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ:

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ/mắc bệnh, động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Minh Huyền 

Tags Đậu mùa khỉ phòng bệnh nâng cao sức khỏe khám chữa bệnh

Các tin khác
Tuyên truyền tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên. Ảnh: BHXH Việt Nam.

Năm học 2024 – 2025, học sinh, sinh viên đóng bảo hiểm y tế 73.710 đồng/tháng, 884.520 đồng/năm. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương...

Em nhỏ mắc đậu mùa khỉ được điều trị tại Nyiragongo, Bắc Kivu, Cộng hòa Dân chủ Congo.

Trong thông báo đăng tải trên trang chủ, WHO cho biết bệnh đậu mùa khỉ lây lan giữa người với người, chủ yếu thông qua tiếp xúc vật lý gần gũi với người bị nhiễm virus.

Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Economic Times.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua (27/8) đã khởi động một chiến dịch toàn cầu mang tên "Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược" nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người.

Vết cháy da trên vai bệnh nhi sau khi bị tia sét đánh trúng.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, đến ngày 27/8, tình trạng sức khỏe của bé trai D.T.V (13 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) bị sét đánh đã hồi phục, chỉ số sinh tồn ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt và sẽ được xuất viện trong 4 ngày tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục