Đến hết tháng 10/2024, một số bệnh truyền nhiễm nhóm B đã ghi nhận 2 ổ dịch bệnh truyền nhiễm với 89 ca mắc ở huyện Mù Cang Chải: ổ dịch viêm kết mạc tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Vừ A Dính, xã Nậm Có khởi phát 42 ca mắc và 1 ổ dịch quai bị tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS xã Kim Nọi với 47 ca mắc. Ngoài ra, bệnh truyền nhiễm có số mắc tăng như: cúm, quai bị, tay - chân - miệng, tiêu chảy, adeno vi rút; bệnh truyền nhiễm có số mắc giảm: số tiêm phòng dại, viêm gan vi rút, thủy đậu… Dự báo trong thời gian tới, một số bệnh truyền nhiễm có nguy cơ tăng cao, đặc biệt là bệnh tay - chân - miệng, cúm mùa, tiêu chảy, thủy đậu…
Trước thực tế đó, trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Chuyên khoa II Lại Mạnh Hùng - Giám đốc
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết: "Trước khi năm học mới bắt đầu, chúng tôi đã phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Đồng thời, chỉ đạo các trung tâm y tế huyện có biện pháp cụ thể tăng cường giám sát dịch bệnh tại trường học, phối hợp với mạng lưới y tế trường học tăng cường giám sát tình hình học sinh nghỉ học do bị ốm, khám sức khỏe định kỳ cho học sinh theo quy định. Theo dõi, xác minh và báo cáo kịp thời các trường hợp mắc hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm theo quy định, đồng thời tổ chức khám, cách ly, điều trị kịp thời, không để dịch bệnh lây lan rộng”.
Nhờ triển khai đồng loạt các giải pháp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị nhà trường, đến nay, 100% trường học đã triển khai vệ sinh môi trường xung quanh lớp học, sân trường. Ðồ dùng học tập, đồ chơi, nhà vệ sinh, vòi rửa tay, hệ thống nước sạch... đều được kiểm tra, tẩy rửa, khử trùng. Ðối với các trường mầm non, luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ động phát hiện trẻ, học sinh có dấu hiệu mắc bệnh và cách ly kịp thời.
Cô giáo Đình Thị Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng
Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Năm học 2024 - 2025, toàn trường có 800 học sinh/19 lớp. Ngay từ đầu năm học, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trường bị ngập lụt nghiêm trọng, nhà trường đã huy động toàn thể giáo viên phối hợp với cán bộ y tế phường dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn xung quanh trường cũng như nhà vệ sinh, khuôn viên, lớp học. Trường cũng đã củng cố ban y tế nhà trường, có cán bộ y tế chăm sóc và thiết lập tủ thuốc y tế học đường, bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh toàn trường”.
Đối với các trường mầm non, giáo viên thường xuyên lau rửa đồ dùng, đồ chơi, vệ sinh lớp nhằm bảo đảm môi trường thoáng mát, sạch sẽ cho trẻ vui chơi. Ðồng thời, trung tâm y tế các địa phương đã tổ chức các hoạt động tiêu độc khử trùng đồ chơi, phòng lớp học và khuôn viên nhà trường bằng Cloramin B. Các cháu đến lớp đều được cô giáo, cán bộ y tế học đường hướng dẫn, giúp đỡ thực hiện việc tự vệ sinh cá nhân, nhắc nhở và hướng dẫn cách rửa tay 6 bước với xà phòng để phòng dịch bệnh…
Cô giáo Phạm Thị Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Nhà trường luôn xác định phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng để trẻ phát triển toàn diện nhất. Tuy những năm gần đây, nhà trường không có dịch bệnh xảy ra nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là. Bước vào năm học mới, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo cán bộ y tế phòng chống dịch bệnh sởi, tay - chân - miệng… Mặt khác, tổ chức tập huấn cho toàn thể giáo viên cách phòng, chống, đối phó khi có dịch bệnh xảy ra. Với phương châm phòng hơn chống, chúng tôi đã xây dựng nội quy nghiêm ngặt, đối với giáo viên thường xuyên tẩy rửa đồ dùng, đồ chơi, hàng tuần vệ sinh các lớp học, khi tiếp nhận trẻ vào lớp lưu ý những triệu chứng để kịp thời báo cáo với cán bộ y tế. Cán bộ y tế tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc quản lý rác và đổ rác hàng ngày ở các bộ phận, luôn chăm sóc và cải tạo hệ thống cây xanh trong nhà trường để đảm bảo cho môi trường luôn sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Ðể năm học 2024 - 2025 không phát sinh dịch bệnh, công tác phòng, chống các loại dịch bệnh rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế với gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Sự phối hợp tốt sẽ góp phần quan trọng trong chủ động phòng, chống phát bệnh để phát hiện, xử lý, điều trị kịp thời, không để lây lan thành dịch bệnh trong trường học và cộng đồng.
Đến nay, 100% trường học đã triển khai vệ sinh môi trường xung quanh lớp học, sân trường. Ðồ dùng học tập, đồ chơi, nhà vệ sinh, vòi rửa tay, hệ thống nước sạch... đều được kiểm tra, tẩy rửa, khử trùng. Ðối với các trường mầm non, luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ động phát hiện trẻ, học sinh có dấu hiệu mắc bệnh và cách ly kịp thời. |
Trần Minh