Bảo đảm an toàn sử dụng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng cho người dân, bà Trần Lệ Hoa - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm cho biết: "Một trong những biện pháp quan trọng là tăng cường kiểm tra, giám sát và lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, các đơn vị tồn trữ, kinh doanh và sử dụng thuốc trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Trung tâm đã triển khai kiểm tra, giám sát các điều kiện về bảo quản, nguồn gốc của thuốc, dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng. Bên cạnh kiểm tra định kỳ, Trung tâm đã tham gia cùng các đoàn của Thanh tra Sở Y tế kiểm tra đột xuất tại các công ty và cơ sở bán thuốc, dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng”.
Thực hiện tốt công tác tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc và mỹ phẩm, Trung tâm phân công cán bộ, nhân viên trong đơn vị phụ trách cụ thể từng khu vực; phân công tổ, nhóm lấy mẫu, giám sát ở từng đối tượng sản xuất và lưu thông. Trung tâm đã tiến hành kiểm tra, giám sát tại các địa bàn; chú trọng các điểm bán lẻ, quầy đại lý, trạm y tế xã, phường, thị trấn, cơ sở y tế tư nhân. Từng tháng, từng quý, Trung tâm đều tiến hành sơ kết, đánh giá, nhận xét về công tác lấy mẫu, làm mẫu để rút kinh nghiệm.
Năm 2024, Trung tâm đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời 13 mẫu vi phạm các quy định về quản lý chất lượng thuốc và mỹ phẩm; 1,3% mẫu thuốc và mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng trong tổng số mẫu kiểm nghiệm, trong đó 7 mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, 6 mẫu mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Qua hoạt động chuyên môn cho thấy, chất lượng thuốc trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không phát hiện thuốc giả, thuốc đã bị thu hồi và đình chỉ lưu hành.
Song song, công tác phát triển kỹ thuật kiểm nghiệm được quan tâm thực hiện. Trung tâm đã triển khai được nhiều kỹ thuật kiểm nghiệm mới như: định tính, định lượng thuốc bằng các phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC), quang phổ hấp thụ tử ngoại UV-VIS, sắc ký khí; phương pháp vi sinh vật; phương pháp hóa học, phương pháp sắc ký lớp mỏng.
Cùng đó, Trung tâm đã xây dựng 5 thường quy kỹ thuật dùng để phân tích các hoạt chất hay gặp bao gồm: định lượng Ceftriaxon bằng phương pháp HPLC; định lượng bằng Ibuprofen phương pháp HPLC; định lượng Omeprazol trong viên nén bằng HPLC; định tính và định lượng 2-phenoxyethol trong mỹ phẩm dạng kem bôi da bằng phương pháp HPLC nhằm nâng cao năng lực kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả công tác kiểm nghiệm, tiết kiệm thời gian thử nghiệm, tăng năng suất lao động.
Đồng thời, nâng cao năng lực kiểm nghiệm cũng như nâng cao khả năng giám sát được chất lượng các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm lưu hành trên thị trường, Trung tâm chú trọng mở rộng các hoạt chất giám sát được chất lượng. Trong năm, đã tiến hành phân tích mở rộng được 19/10 hoạt chất mới, đạt 190% kế hoạch, trong đó có 16 thuốc hóa dược và 3 thuốc dược liệu; nâng số hoạt chất kiểm nghiệm từ 410 lên 429 hoạt chất, trong đó thuốc hóa dược 299, thuốc dược liệu 130.
Đồng thời, Trung tâm thiết lập 2/2 chuẩn dược liệu (lạc tiên, hậu phác), đạt 100% kế hoạch, nâng số chuẩn nội bộ lên 47 chất chuẩn, giúp chủ động kiểm tra, giám sát chất lượng dược liệu và các thuốc đông dược có nguồn gốc từ dược liệu, góp phần tăng tiến độ xử lý mẫu kiểm nghiệm, bảo đảm kết quả kiểm nghiệm được trả đúng thời hạn quy định, tiết kiệm được rất nhiều kinh phí mua mẫu chuẩn làm chất đối chiếu.
Thực hiện Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 27/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Yên Bái được chọn phát triển trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm của 6 tỉnh, thành phố thành Trung tâm Kiểm nghiệm vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Bà Trần Lệ Hoa - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm khẳng định: "Nâng cao chất lượng kiểm nghiệm thuốc, Trung tâm tiếp tục cải tiến công tác giám sát chất lượng, lấy mẫu chọn lọc bao gồm các mẫu nghi ngờ, phát hiện thuốc giả, thuốc gần hết hạn, mẫu ở các cơ sở không bảo đảm điều kiện bảo quản; tăng cường giám sát việc bảo đảm chất lượng thuốc tại các đơn vị trong ngành; triển khai kỹ thuật phù hợp với các trang thiết bị y tế được đầu tư, góp phần tích cực ổn định thị trường thuốc, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”.
|
Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các phòng y tế kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng ở 315/250 cơ sở, đạt 126,0% kế hoạch; 999/930 mẫu kiểm nghiệm, đạt 107,4% kế hoạch, trong đó có 940 mẫu thuốc, 59 mẫu mỹ phẩm; 668 mẫu lấy giám sát chất lượng, 331 mẫu gửi kiểm tra chất lượng.
|
Trần Minh