Dược sĩ Chuyên khoa I Phạm Thị Hồng - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm tỉnh cho biết: "Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã triển khai công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc và mỹ phẩm, tham mưu cho Sở Y tế quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Hàng năm, Trung tâm xây dựng chỉ tiêu số mẫu lấy để kiểm tra chất lượng, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát chất lượng ở các huyện, thị, thành phố".
Đối tượng lấy mẫu gồm các quầy bán lẻ, đại lý, nhà thuốc, phòng khám, cơ sở sản xuất thuốc và các bệnh viện. Có kế hoạch ký kết hợp đồng mua mẫu thuốc kiểm nghiệm với các cơ sở kinh doanh, sản xuất thuốc trên địa bàn tỉnh.
Nhằm góp phần bảo đảm an toàn trong việc sử dụng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm cho người dân, việc đầu tư các trang thiết bị phục vụ việc kiểm nghiệm luôn được Trung tâm chú trọng với việc đầu tư nhiều máy móc hiện đại, phù hợp, phục vụ công tác kiểm nghiệm như: máy sắc ký lỏng hiệu năng cao, máy xác định độ hòa tan, máy cất quay chân không…
Song song với đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, công tác đào tạo nhân lực được thực hiện bài bản theo lộ trình, thường xuyên cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn, đào tạo về năng lực kiểm nghiệm thuốc, cập nhật ứng dụng kỹ thuật mới trong phân tích dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm.
Đến thời điểm này, Trung tâm đã có 2 dược sĩ chuyên khoa I và 6 dược sĩ đại học, tiếp tục duy trì hệ thống chất lượng theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 và tiêu chuẩn "Thực hành tốt phòng thí nghiệm - GLP”, thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị thử nghiệm theo đúng kế hoạch đã đề ra, nhằm đảm bảo chất lượng kết quả thử nghiệm.
Với trang thiết bị hiện đại và nhân lực, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm được đẩy mạnh. Trong quá trình kiểm tra, Trung tâm đã hướng dẫn, tư vấn cho các cơ sở quản lý, bảo đảm chất lượng thuốc an toàn đến tay người tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng thuốc và ổn định thị trường thuốc. Đồng thời, nhắc nhở các đơn vị thực hiện tốt quy chế, chế độ chuyên môn về dược; xử lý thuốc quá hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng và thuốc không được phép lưu hành theo quy định.
Ngoài việc lấy mẫu, hướng dẫn các đơn vị gửi mẫu, chủ động đi giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng, phân phối thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm trên địa bàn luôn được coi trọng, nhất là đối với những nơi vùng sâu, vùng xa.
Đến nay, Trung tâm đã triển khai lấy mẫu thuốc, mỹ phẩm tại 175 cơ sở trên địa bàn các huyện: Yên Bình, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái, đạt 87,5% kế hoạch, trong đó, 8 công ty sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm; 7 cơ sở y tế công lập; 5 cơ sở y tế ngoài công lập; 155 cơ sở bán lẻ thuốc, mỹ phẩm (nhà thuốc, quầy thuốc, cơ sở kinh doanh mỹ phẩm), tổng số mẫu đã tiến hành thử nghiệm tại Trung tâm 498/900 mẫu, đạt 55,3% kế hoạch. Công tác lấy mẫu kiểm tra chất lượng được thực hiện có sàng lọc, trọng tâm, nhất là các loại thuốc có hoạt chất kém bền vững...
Qua đó, số mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng chiếm 0,8%, chủ yếu các sản phẩm sản xuất trong nước, Trung tâm đã báo cáo Sở Y tế ra văn bản chỉ đạo đình chỉ các loại thuốc này lưu hành trên địa bàn, góp phần đảm bảo chất lượng, an toàn cho nhân dân khi sử dụng thuốc. Cùng với đó, Trung tâm cũng đã đẩy mạnh hoạt động quản lý giám sát đối với lĩnh vực mỹ phẩm, thực phẩm, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm chức năng, góp phần để cộng đồng được sử dụng những sản phẩm an toàn cho sức khỏe.
Dược sĩ Chuyên khoa I Phạm Thị Hồng cho biết giải pháp thời gian tới, cùng với đào tạo trình độ chuyên môn thông qua đào tạo bên ngoài và đào tạo nội bộ, Trung tâm tiếp tục duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 và GLP-WHO trong kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm; đẩy mạnh kiểm tra và lấy mẫu thuốc để giám sát chất lượng. Đặc biệt, phối hợp với thanh tra Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý thuốc giả, kém chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh cho nhân dân.
Trần Minh