Bác sĩ chỉ cách phòng bệnh cúm mùa an toàn, hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/2/2025 | 9:44:08 AM

YênBái - Cúm mùa đáng sợ ở tốc độ lây lan nhanh chóng và những biến chứng nguy hiểm với nguy cơ gây tử vong cao. Phòng bệnh cúm mùa như thế nào là câu hỏi đang nóng trong thời điểm này.

Mặc dù rửa tay không thể tiêu diệt hoàn toàn các mầm bệnh nhưng đây là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả và rẻ tiền nhất.
Mặc dù rửa tay không thể tiêu diệt hoàn toàn các mầm bệnh nhưng đây là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả và rẻ tiền nhất.

Virus cúm khi người mắc bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện có thể lây lan nhanh chóng sang người khỏe mạnh.

Đôi khi, virus cúm cũng có thể lây lan khi người khỏe mạnh tiếp xúc trực tiếp với bề mặt hoặc đồ vật bị ô nhiễm, có chứa virus cúm sau đó đưa tay lên mắt, mũi hay miệng của mình. Thậm chí, virus cúm vẫn có thể lây truyền từ người nhiễm virus sang người khỏe mạnh ngay cả khi người bị nhiễm không xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào.

Chuyên gia Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ những cách phòng bệnh cúm hiệu quả, nhằm hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm và tránh được nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.

Tránh xa đám đông, nguyên tắc cơ bản nhất

Bất cứ đám đông nào cũng là ổ dịch của những căn bệnh truyền nhiễm, bởi vậy, bạn nên hạn chế tụ tập hay đến gần các đám đông.

Người bị cúm cần chủ động tuyệt đối không đến những nơi công cộng, tránh lây truyền virus cho cộng đồng.

Luôn có ý thức giữ khoảng cách với người bệnh

Giọt bắn từ dịch tiết của người bệnh có thể phát tán trong không khí trong bán kính từ 1.8 đến 2m. Đây cũng chính là khoảng cách cần thiết để hạn chế khả năng lây lan virus cúm từ người bệnh sang người lành.

Người bệnh nên ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt, ngoại trừ lý do bất khả kháng.

Luyện phản xạ tốt: Che miệng và mũi khi ho

Che miệng và mũi bằng khăn giấy mỗi khi bạn ho hoặc hắt hơi. Sẽ tốt hơn nếu bạn có thể sử dụng loại khăn giấy dùng một lần cho việc đó.

Trường hợp không có sẵn khăn (hoặc khăn giấy), nếu ho hoặc hắt hơi thì nên dùng khuỷu tay của bạn che lại. Bằng cách này, bàn tay của bạn sẽ không bị nhiễm virus cúm.

Nên nhớ phải luôn luôn quay mặt khỏi những người xung quanh khi bạn ho hoặc hắt hơi.

Rửa tay thường xuyên và đúng cách

Mặc dù rửa tay không thể tiêu diệt hoàn toàn các mầm bệnh nhưng đây là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả và rẻ tiền nhất. Vì thế, cần thường xuyên rửa tay sạch sẽ. Nên rửa tay thật sạch bằng xà phòng và nước ấm trong vòng ít nhất 30 giây. Khi không có xà phòng và nước, có thể sử dụng dung dịch rửa tay khô hoặc cồn khử khuẩn.

Hạn chế chạm tay vào mắt, mũi, miệng

Hạn chế dùng tay chạm lên khuôn mặt, bởi nếu bàn tay đã từng tiếp xúc với bề mặt hoặc vật dụng bị ô nhiễm, virus cúm rất có khả năng xâm nhập qua mũi, mặt, miệng hoặc phổi.

Tạo ra cho cơ thể một hệ thống miễn dịch hoạt động tốt

Lối sống khoa học: Duy trì thói quen ngủ sớm, dậy sớm, ngủ đêm đủ giấc để có thể tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể. Thường xuyên vận động: tập các bài thể dục cơ bản, chạy bộ nhanh, bơi lội, đạp xe, đánh cầu lông, đá bóng,…

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Duy trì chế độ dinh dưỡng đều đặn với các thực phẩm giàu chất xơ (rau xanh, trái cây…); Chất béo lành mạnh (cá hồi, dầu ô liu, hạt chia,…); Các thực phẩm lên men hoặc men vi sinh sữa chua, kim chi, dưa cải muối chua, đậu tương lên men… Đồng thời, hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo và chất đạm có hại. Hạn chế tối đa lượng đường trong khẩu phần ăn.

Uống nhiều nước: Đây là bước dự phòng bởi nếu chẳng may bị mắc cúm, có thể cải thiện các triệu chứng do cúm gây ra.

Loại bỏ cảm xúc tiêu cực: Cơ thể dễ dàng bị virus tấn công khi bạn lưu giữ cảm xúc tiêu cực, căng thẳng kéo dài, bởi chúng làm rối loạn chức năng của các tế bào miễn dịch, thúc đẩy quá trình sinh viêm. Vì thế, cần giữ cho bản thân luôn ở trạng thái cảm xúc cân bằng.

Bổ sung vitamin và các khoáng chất: Đây là biện pháp hữu hiệu để cải thiện chức năng của hệ thống miễn dịch, đặc biệt khi có sự kết hợp với chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

Phát hiện các triệu chứng bất thường cần đi khám bác sĩ ngay

Bạn cần biết cách phân biệt cúm mùa với bệnh cảm lạnh, cảm cúm thông thường. Những triệu chứng của bệnh cúm mùa thường biểu hiện ở mức độ nặng hơn và diễn ra trong khoảng thời gian dài hơn. Cần chú ý theo dõi ngay khi các triệu chứng cúm mùa xuất hiện và đi khám bác sĩ ngay để có thể được điều trị kịp thời và đúng cách.

Tiêm phòng vaccine cúm hàng năm, biện pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả nhất

Trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn cần tiêm vaccine phòng bệnh cúm định kỳ hàng năm vì virus cúm vô cùng linh hoạt, có khả năng trao đổi vật liệu di truyền và nhanh chóng tạo ra các chủng virus mới đối phó lại hệ miễn dịch của cơ thể.

Thời điểm tốt để thực hiện tiêm phòng cúm thường vào đầu giai đoạn cúm bắt đầu lưu hành trong cộng đồng, vào tháng 3, 4, 10 và tháng 11.

Có rất nhiều cách phòng bệnh cúm mùa nhưng tiêm phòng vaccine cúm là biện pháp phòng bệnh mang lại tính an toàn và hiệu quả nhất.

(Theo TPO)

Các tin khác
Yên Bái tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH bằng nhiều hình thức để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng

Tình trạng sốt xuất huyết (SXH) trong một vài năm trở lại đây có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ người mắc hàng năm tăng cao và đã có những trường hợp tử vong. Để chủ động phòng chống bệnh SXH trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã xây dựng kế hoạch và đưa ra nhiều giải pháp phòng chống bệnh SXH năm 2025.

Đoàn công tác kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 33 cơ sở sản xuất, kinh doanh cung cấp thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ trên địa bàn tỉnh.

Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, trên địa bàn tỉnh Yên Bái không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Điều trị bệnh nhân mắc cúm B tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Hiện nay, điều kiện thời tiết đang có những thay đổi, là điều kiện thuận lợi cho các vi-rút gây bệnh cúm cho người phát triển. Tại Việt Nam chưa có số liệu chính thức về số người mắc bệnh cúm, nhưng đã có một số trường hợp phải nhập viện điều trị.

Học sinh ở trường Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở Túc Đán, huyện Trạm Tấu được mặc áo ấm để đảm bảo sức khỏe.

Bộ Y tế cho biết, vào mùa lạnh, người dân có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe như: Cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục