3 khuyến cáo với người bệnh tim mạch để vượt qua mùa cúm

  • Cập nhật: Thứ bảy, 15/2/2025 | 8:17:27 AM

Trước tình hình số ca mắc cúm mùa gia tăng trong thời gần đây, ngày 13-2, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện trưởng Viện tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) đã có những lưu ý để người có bệnh nền tim mạch “đối phó” với bệnh cúm.

Người cao tuổi mắc cúm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Người cao tuổi mắc cúm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo đó, miền Bắc đang chuyển thời tiết sang giá buốt kèm theo nồm ẩm. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong bối cảnh bệnh cúm mùa gia tăng là điều kiện thuận lợi để nhiều bệnh tiến triển, đặc biệt với người có bệnh lý tim mạch, hô hấp.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài cho biết, cúm mùa có thể làm nặng lên các triệu chứng ở bệnh nhân suy tim và làm tăng nguy cơ các biến chứng tim mạch ở cả người khỏe mạnh và người có bệnh nền tim mạch. Khi mắc cúm, cơ thể mất nước, tăng nhu cầu ôxy khiến tim phải làm việc nhiều hơn, dễ dẫn tới suy tim cấp ở bệnh nhân suy tim, tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim ở bệnh nhân tim mạch...

"Cúm mùa cũng có thể làm tăng nguy cơ các biến chứng tim mạch ở cả người khỏe mạnh và đặc biệt là bệnh nhân có bệnh nền tim mạch. Trong một số trường hợp, cúm mùa có thể dẫn đến viêm cơ tim cấp, gây nên rối loạn nhịp tim cấp, suy tim cấp tiến triển rất nhanh. Thậm chí, bệnh cúm sẽ nguy hiểm hơn trên nền bệnh nhân có bệnh tim mạch mạn tính”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài cảnh báo.

Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, có ba vấn đề chính người bệnh cần quan tâm là chế độ uống thuốc, chế độ sinh hoạt và chế độ ăn uống.

Thứ nhất - về chế độ thuốc: Người có bệnh lý tim mạch phải duy trì thuốc, uống đúng liều, không tự ý ngưng (kể cả thuốc huyết áp, chống đông, statin). Quan trọng nhất là bệnh nhân cần hiểu mình đang được dùng những loại thuốc gì, tác dụng chính ra sao để theo dõi phù hợp.

Một số loại thuốc hay dùng khi điều trị triệu chứng của cúm như thuốc giảm đau hạ sốt, đặc biệt thuốc nhóm NSAID (ibuprofen..) hay corticoid có thể làm nặng lên triệu chứng suy tim, tăng huyết áp nên cần tham vấn ý kiến bác sĩ tim mạch và bác sĩ truyền nhiễm trước khi dùng.

Ngoài ra, cúm có thể gây sốt cao, gây phản ứng giãn mạch mạnh và mất nước, do đó, nếu bệnh nhân tim mạch đang dùng các thuốc giãn mạch hay lợi tiểu cần chú ý theo dõi sát, cần thông báo cho bác sĩ tim mạch đang quản lý điều trị để có điều chỉnh kịp thời.

Thứ hai - về sinh hoạt: Người bệnh nên tiêm vắc xin cúm hằng năm, làm giảm nguy cơ mắc cúm và giảm mức độ tiến triển nặng khi mắc cúm. Lưu ý, nên tiêm vắc xin dạng bất hoạt để đảm bảo an toàn, tránh vắc xin sống giảm độc lực. Cùng với đó, thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay, tránh nơi đông người; ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày, tránh làm việc gắng sức.

Thứ ba - về ăn uống: Người có bệnh lý nền tim mạch có thể tăng cường miễn dịch bằng cách bổ sung vitamin C (cam, ổi), kẽm (hạt, thịt), tỏi; uống đủ nước (từ 1,5-2 lít/ngày). Kiểm soát huyết áp bằng cách ăn nhạt, hạn chế mỡ động vật, tăng rau xanh và cá.

 Khi mắc cúm, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ truyền nhiễm. Ngoài ra, tham vấn ý kiến bác sĩ tim mạch đang quản lý điều trị về phác đồ đang dùng xem có cần điều chỉnh thuốc hay không. Đặc biệt, tái khám tim mạch ngay nếu có các triệu chứng như: Nhịp tim nhanh kéo dài, khó thở, đau ngực, phù chân...

(Theo HNMO)

Các tin khác
Ngành Y tế tỉnh Yên Bái khuyến khích người dân chủ động tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phòng bệnh.

Theo báo cáo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã ghi nhận trên 766 ca mắc cúm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (629 ca). Trong đó, ghi nhận 2 ổ dịch nhỏ tại huyện Văn Chấn và thành phố Yên Bái. Các ca bệnh đều có triệu chứng nhẹ như sốt, ho, viêm long đường hô hấp, chưa ghi nhận có tử vong.

Ngành y tế Hà Nội triển khai tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ em trong độ tuổi quy định trên địa bàn thành phố.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức ngay chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 trên địa bàn ngay sau khi vaccine được cung ứng, không để muộn quá một tháng kể từ khi nhận được vaccine theo kế hoạch và báo cáo kết quả theo quy định.

Tiêm vaccine Pfizer là một trong những giải pháp giúp phòng ngừa COVID-19 hiệu quả nhất. Tuy nhiên, khá nhiều người còn băn khoăn, lo lắng về tác dụng phụ của vaccine này.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho người dân tại tỉnh Bắc Kivu, CHDC Congo ngày 25/10/2024.

Ngày 12/2, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo việc Mỹ tạm dừng đóng góp viện trợ nước ngoài có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe toàn cầu, ảnh hưởng đến các chương trình chống bại liệt, HIV và các mối đe dọa khác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục