Yên Bái tăng cường phòng, chống dịch bệnh nhiễm mùa đông xuân

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/2/2025 | 2:25:26 PM

YênBái - Những ngày qua, thời tiết nồm ẩm nhiệt độ nóng, lạnh thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh truyền nhiễm phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như: sởi, sốt xuất huyết, cúm A H3N2, cúm A H1N1, cúm B và cúm C...

Cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân cao tuổi.
Cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân cao tuổi.

Ghi nhận tại khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái trong tuần qua trung bình có gần 100 bệnh nhi nhập viện điều trị các bệnh về đường hô hấp như: viêm phổi, hen phế quản, cảm cúm. Để đảm bảo công tác khám, điều trị kịp thời cho bệnh nhi và sản phụ, tất cả các khoa, phòng của Bệnh viện đều tăng cường nhân lực, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền...

Bác sĩ chuyên khoa I Hà Thị Thanh Liêm - Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Sản - Nhi cho biết: "Thời tiết giao mùa nồm ẩm, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm rất cao khiến trẻ nhỏ dễ nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp, thậm chí bệnh còn tái phát nhiều lần. Có những trẻ trong vòng 1 tháng phải nhập viện tới 2 lần do viêm đường hô hấp”.

Đưa con trai 3 tuổi đến khám và điều trị tại khoa, chị Nguyễn Thị Minh Ánh ở phường Nam Cường, thành phố Yên Bái cho biết: "Cháu nhà tôi khoẻ mạnh, ít khi ốm vặt, tuy nhiên, những ngày qua, thời tiết thay đổi nắng mưa thất thường, gia đình thấy cháu bị sổ mũi, ho. Gia đình đã cho uống thuốc theo đơn của bác sĩ nhưng bệnh không thuyên giảm. Cháu nhập viện với các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, quấy khóc, khó ngủ về đêm. Sau khi khám, bác sĩ kết luận cháu bị viêm phổi. Qua gần một tuần điều trị tích cực, tình trạng sức khoẻ cháu đã dần ổn định”.


Còn tại Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 60 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị chủ yếu là trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp, người cao tuổi mắc bệnh lý nền phải theo dõi sức khỏe. Thời tiết nồm ẩm kèm mưa phùn khiến bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính của ông Đặng Văn Nam 70 tuổi ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái tái phát và có chuyển biến xấu. Ban đầu, ông Nam nhập viện trong tình trạng rất khó thở, mệt mỏi nhưng sau gần 1 tuần điều trị tại khoa Nội tổng hợp Trung tâm Y tế thành phố sức khỏe ông đã dần ổn định.

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Quang Mạnh – Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái cho biết: "Trung tâm luôn chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, cơ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phương tiện, hóa chất nhằm ứng phó các tình huống dịch bệnh lây lan. Cùng đó, Trung tâm thực hiện tốt việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám, chữa bệnh; phân tầng điều trị, thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị; phòng, chống lây nhiễm và kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế”.

Trung tâm Y tế thành phố giao từng khoa, phòng tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm ổ dịch, chùm ca bệnh có đặc điểm bất thường để có biện pháp xử lý nhanh chóng, hạn chế số ca mắc bệnh, chuyển nặng và tử vong; đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng thường xuyên, tăng cường chất lượng công tác tiêm chủng, tăng tỷ lệ tiêm chủng, quản lý đối tượng tiêm chủng trên địa bàn thành phố; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Đồng thời, Trung tâm phối hợp cùng các trạm y tế xã, phường tập trung tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch sởi, sốt xuất huyết, cúm A H3N2, cúm A H1N1, cúm B và cúm C… có nguy cơ lây nhiễm cao; tuyên truyền người dân không chủ quan, lơ là; kiên quyết ngăn chặn, khoanh vùng, xử lý dịch triệt để, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; chủ động bố trí trang thiết bị, vật tư, hóa chất để xử lý khi dịch bệnh xảy ra.

Trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Theo khuyến cáo của ngành y tế để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm hiệu quả mỗi người dân hãy chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh, nhất là trẻ em cần tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Một số loại vắc xin cúm mùa, sởi… các loại bệnh truyền nhiễm được cung ứng phổ biến ở các điểm tiêm chủng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, mọi người cần vệ sinh sạch sẽ nhà ở, nơi làm việc; đảm bảo ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm; ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; ăn nhiều trái cây, rau xanh giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng; đặc biệt không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm. Nếu có các dấu hiệu nghi mắc bệnh truyền nhiễm, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Bùi Minh

Tags dịch bệnh mùa xuân truyền nhiễm Yên Bái

Các tin khác
Tiêm phòng cúm tại Thái Lan

Bộ trưởng Y thế công cộng Thái Lan Somsak Thepsuthin hôm nay (16/2) cho biết Thái Lan đã ghi nhận tới hơn 99.000 ca cúm kể từ đầu năm 2025 đến nay, trong đó có 9 ca tử vong.

Đông đảo công nhân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia mô hình can thiệp phòng chống HIV cho công nhân.

Năm 2025 sẽ là năm bản lề cho giai đoạn 5 năm tiếp theo hướng tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030 như Mục tiêu chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Khi một người mắc bệnh viêm màng não mô cầu nếu không được phát hiện sớm thì nguy cơ tử vong có thể xảy ra trong vòng 3 ngày đầu tiên của quá trình bệnh.

Người cao tuổi mắc cúm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trước tình hình số ca mắc cúm mùa gia tăng trong thời gần đây, ngày 13-2, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện trưởng Viện tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) đã có những lưu ý để người có bệnh nền tim mạch “đối phó” với bệnh cúm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục