Không chủ quan trước bệnh cúm mùa

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/2/2025 | 8:11:35 AM

YênBái - Thời gian gần đây, dịch cúm mùa đang bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, nhiều trường hợp mắc cúm trong tình trạng nặng, nguy kịch. Trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận 978 ca mắc cúm. Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Chuyên khoa II Lại Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Trẻ em được tiêm phòng vắc xin tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Trẻ em được tiêm phòng vắc xin tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.


P.V: Xin bác sĩ cho biết, đối tượng mắc chủ yếu của bệnh cúm mùa và mức độ nguy hiểm của bệnh này?

Bác sĩ Chuyên khoa II Lại Mạnh Hùng: Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Bệnh lưu hành quanh năm ở tất cả các nơi trên thế giới nhưng thường tập trung và có xu hướng lan rộng vào mùa đông - xuân. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi, họng do hắt hơi, ho khạc. Các triệu chứng phổ biến bao gồm: sốt, đau đầu, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp, mệt mỏi, chảy nước mũi. 


Bác sĩ Chuyên khoa II Lại Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh 

Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong khoảng 2 - 7 ngày nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau như: đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát. Do bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp, nhất là ở những nơi tập trung đông người, các trường học.

Hơn nữa, sau khi mắc bệnh, miễn dịch để lại không bền và không bảo vệ được đối với chủng cúm mới nên mọi người đều có khả năng cảm nhiễm cao với  bệnh cúm, là điều kiện để dịch cúm bùng phát. Thực tế, thời gian qua, nhiều người mắc cúm ở khắp mọi nơi trong cả nước về nhà nghỉ tết, do thay đổi môi trường, điều kiện sinh hoạt trong không gian chật hẹp cũng là một trong những nguyên nhân làm lây cho những người trong gia đình.

P.V: Qua theo dõi, giám sát, bác sĩ có đánh giá như thế nào về tình hình dịch cúm mùa trên địa bàn tỉnh? Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai các giải pháp gì để phòng chống dịch cúm mùa?

Bác sĩ Chuyên khoa II Lại Mạnh Hùng: Tại Yên Bái, theo báo cáo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2025 đến nay (tính đến ngày 11/2), trên địa bàn tỉnh ghi nhận 978 ca mắc cúm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 là 666 ca. Số ca mắc chủ yếu tập trung ở huyện Mù Cang Chải (301 ca); huyện Trấn Yên (288 ca); thành phố Yên Bái (120 ca); huyện Trạm Tấu (96 ca); huyện Văn Chấn (60 ca), huyện Văn Yên (59 ca) còn lại rải rác ở các huyện Lục Yên, Yên Bình. Trong đó, đã ghi nhận 3 ổ dịch nhỏ trong trường học (tại huyện Văn Chấn 2 ổ dịch và thành phố Yên Bái 1 ổ dịch). Các ca bệnh đều có triệu chứng nhẹ như sốt, ho, viêm long đường hô hấp, không ghi nhận ca bệnh nặng, không có ca bệnh tử vong.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, dịch bệnh cúm mùa nói riêng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh và Sở Y tế ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân, kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm của tỉnh, của ngành và các văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, dịp lễ hội đầu xuân 2025; chỉ đạo về tăng cường công tác tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh… 

Cùng đó, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm 2025 trên địa bàn tỉnh; giám sát tình hình dịch bệnh tại các cơ sở y tế, các trường học và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh đầu tiên, không để lây lan, bùng phát thành dịch. Trung tâm chỉ đạo rà soát lại vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch tại Trung tâm và tại trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố; vận hành các máy phun hóa chất sẵn sàng cho công tác chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra; thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ; củng cố, kiện toàn các đội cơ động chống dịch tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh và trung tâm y tế các huyện đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, máy móc, hóa chất, nhân lực sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến dưới.

Trung tâm chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, chống các bệnh có thể bùng phát trong mùa đông xuân, trong dịp tết và mùa lễ hội đầu xuân; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo tình hình dịch bệnh hàng ngày; chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54 của Bộ Y tế. 

P.V: Để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả, bác sĩ có khuyến cáo gì?

Bác sĩ Chuyên khoa II Lại Mạnh Hùng: Cách tốt nhất để phòng bệnh cúm mùa và các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra là tiêm vắc xin cúm hàng năm. Bởi, vắc xin tạo ra một hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi rút cúm hiệu quả đến 97%. Tiêm phòng cúm không ngăn ngừa hoàn toàn mắc bệnh, nhưng làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. 

Những người được tiêm phòng cúm ít có khả năng phải nhập viện hơn khoảng 40% đến 70% vì bệnh cúm hoặc các biến chứng có liên quan. 

Bên cạnh việc tiêm vắc xin phòng cúm, chúng ta cần tuân thủ một số cách để phòng, chống bệnh cúm mùa một cách có hiệu quả. 

Đó là: giữ ấm cho cơ thể, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn, vệ sinh mũi và họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày. Đảm bảo vệ sinh đường hô hấp đúng cách: che miệng và mũi bằng khăn giấy dùng một lần khi ho hoặc hắt hơi, sau đó cuộn khăn giấy lại, vứt vào thùng rác có nắp đậy rồi rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. 

Nên thường xuyên tập thể dục và sống lành mạnh, tránh đến những nơi có người bị mắc bệnh cúm mùa, tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu bệnh về hô hấp. Khi ra đường về nên rửa tay sạch trước khi chạm vào mắt, mũi, miệng. Thường xuyên làm sạch nhà cửa bằng các chất tẩy rửa thông thường. 

Đeo khẩu trang ở những nơi công cộng như cửa hàng, siêu thị, khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cũng như ở môi trường ngoài trời đông đúc. Lưu ý, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. 

Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Minh Thúy (thực hiện) 

Tags Yên Bái cúm mùa dịch cúm tiêm phòng bệnh nhiễm trùng vi rút

Các tin khác
Hình ảnh chụp MRI sọ não bệnh nhân nữ bị tổn thương lan tỏa hai bán cầu và thể chai.

Ngày 17/2, Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh) phát đi cảnh báo về những tác hại nghiêm trọng của việc lạm dụng "bóng cười" sau khi liên tiếp tiếp nhận ba trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân cao tuổi.

Những ngày qua, thời tiết nồm ẩm nhiệt độ nóng, lạnh thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh truyền nhiễm phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như: sởi, sốt xuất huyết, cúm A H3N2, cúm A H1N1, cúm B và cúm C...

Tiêm phòng cúm tại Thái Lan

Bộ trưởng Y thế công cộng Thái Lan Somsak Thepsuthin hôm nay (16/2) cho biết Thái Lan đã ghi nhận tới hơn 99.000 ca cúm kể từ đầu năm 2025 đến nay, trong đó có 9 ca tử vong.

Đông đảo công nhân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia mô hình can thiệp phòng chống HIV cho công nhân.

Năm 2025 sẽ là năm bản lề cho giai đoạn 5 năm tiếp theo hướng tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030 như Mục tiêu chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục