Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06), Công an tỉnh Yên Bái đã chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện.
Theo đó, đến nay, Công an tỉnh đã tập hợp thông tin đăng ký của cán bộ các sở, ngành, cơ quan, đơn vị tham gia giải quyết thủ tục hành chính để gửi Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an tạo tài khoản phục vụ đăng ký dịch vụ xác thực thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư - Bộ Công an, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Viễn thông Yên Bái đảm bảo các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, an ninh, an toàn, bảo mật thông tin và tích hợp, kết nối phục vụ việc chạy thử nghiệm chia sẻ dữ liệu dân cư giữa CSDL quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công của tỉnh.
Được biết, từ ngày 25/2/2022, Công an tỉnh đã ban hành cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân khi công dân đến làm căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Hiện toàn tỉnh đã triển khai công tác thu thập, nhập liệu, làm sạch thông tin dân cư trên hệ thống CSDL quốc gia về dân cư là 911.205 phiếu DC01 và liên tục bổ sung, cập nhật thường xuyên hàng ngày, đảm bảo dữ liệu dân cư luôn "đúng, đủ, sạch, sống”.
Tính đến ngày 23/2, toàn tỉnh đã thu nhận 626.497 hồ sơ cấp CCCD gắn chip điện tử, đạt 93,1% số công dân trong độ tuổi cấp CCCD.
Cùng với đó, phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, Công an tỉnh đã tham mưu triển khai ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư phục vụ quản lý di biến động công dân ra/vào vùng dịch trên phần mềm VNEID, với tổng số lượt khai báo qua phần mềm tại các chốt kiểm dịch trên địa bàn trên 300 nghìn lượt người; đối chiếu dữ liệu dân cư, xác minh lập danh sách 600 trường hợp thuộc diện hưởng trợ cấp an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; tổ chức cập nhật dữ liệu 1.327.735 mũi tiêm vắc-xin vào CSDL dân cư phục vụ tích hợp dữ liệu vào phần mềm VNEID và CCCD gắn chíp điện tử.
Hiện nay, Công an tỉnh đang sử dụng CSDL quốc gia về dân cư phục vụ triển khai thực hiện đăng ký cư trú qua dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đến hết quý III/ 2022, bảo đảm 100% hồ sơ đăng ký cư trú được tiếp nhận thông qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến bảo đảm liên thông, minh bạch, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính.
Đại tá Đặng Hồng Đức - Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Để sử dụng CSDL quốc gia về dân cư phục vụ chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh tập trung tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số.
Đồng thời, tiếp tục thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử cho công dân đủ điều kiện nhưng chưa được cấp hoặc cấp đổi, cấp lại; chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Công an tỉnh thường xuyên cập nhật, bổ sung hoàn thiện dữ liệu dân cư bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ CĐS trong các ngành, lĩnh vực của tỉnh.
Thực hiện kết nối, chia sẻ giữa CSDL quốc gia về dân cư với các CSDL quốc gia khác đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06 của tỉnh đã đề ra.
Công an tỉnh sẽ triển khai hệ thống định danh và xác thực điện tử, nhằm tối ưu hóa các tiện ích thành phần trong Đề án xây dựng mô hình Đô thị thông minh của tỉnh. Phối hợp với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư - Bộ Công an triển khai ứng dụng di động công dân số từ VNEID, thẻ CCCD gắn chíp điện tử trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ như: y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, tài chính ngân hàng… trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số...
Đức Toàn