Điển hình về chuyển đổi số là cách làm của huyện Văn Yên. Huyện đã triển khai chuyển đổi số từ cấp xã, ứng dụng hệ thống truyền thanh thông minh 4.0 giúp giảm thời gian chuyển tải thông tin khi ứng dụng tự chuyển văn bản thành giọng nói, không sử dụng dây và cột ăng ten, thu âm, phát thanh mọi lúc, mọi nơi tới từng cụm loa. Qua đó, trao quyền cho phép cấp thôn có thể tự phát bản tin riêng, phát thanh ghi âm trực tiếp, sử dụng file audio có sẵn, tiếp sóng, huỷ tin đang phát, phát tin khẩn cấp… tại cùng một thời điểm. Hệ thống này đã khắc phục được những nhược điểm hệ thống truyền thanh cũ AM và FM.
Chị Tô Thị Kim Huế, cán bộ Văn hóa xã Xuân Ái, huyện Văn Yên chia sẻ: "Đài truyền thanh thông minh này tiếp sóng mọi lúc, mọi nơi, cái hay của nó là dùng điện thoại thông minh, laptop, máy tính bảng, có một vài đặc biệt lưu tâm là chuyển văn bản thành giọng nói giúp cho các phát thanh viên không phải sự dụng bằng giọng nói của mình nữa mà chuyển sang hoàn toàn bằng giọng nói 4.0”.
Trong công tác phòng chống dịch Covid-19 huyện Văn Yên chủ động thích ứng linh hoạt áp dụng công nghệ số trong chuẩn đoán hình ảnh, điều trị từ xa, đối thoại chủ động với các F0,F1 từ xa giúp giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở, giảm chi phí, thời gian, công sức của nguồn lực xã hội, tạo niềm tin của người dân với chính quyền, để không ai bị bỏ lại ở phía sau, do vậy tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn đang được kiểm soát tốt.
Bà Lã Thị Liền, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Chúng tôi triển khai ngay một số hạng mục như là lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh tại xã Xuân Ái, hệ thống chuẩn đoán hình ảnh tại xã Đông Cuông kết nối với trung tâm y tế huyện, thí điểm sổ tay điện tử đảng viên, hiện nay chúng tôi tiếp tục triển khai nhiều ứng dụng trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, đưa công tác chuyển đổi số phục vụ đắc lực cho hai nhiệm vụ chính, một là khôi phục phát triển kinh tế và thứ hai là công tác phòng chống dịch Covid-19”.
"Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng huyện Văn Yên đã đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành huyện đứng đầu trong các địa phương của tỉnh Yên Bái về chuyển đổi số, nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số hướng tới chính quyền số. Đồng thời, triển khai ngay việc đào tạo nâng cao kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức; đào tạo nâng cao trình độ cho nhân lực tham mưu về chuyển đổi số đáp ứng yên cầu xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”, bà Liền nhấn mạnh.
Được biết, Tỉnh ủy Yên Bái đã có Nghị quyết 51 về chuyển đổi số giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, ban hành kế hoạch triển khai thí điểm sử dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái" nhằm từng bước thực hiện số hóa về nghiệp vụ công tác đảng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên.
Trong chương trình sinh hoạt định kỳ Chi bộ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái, 100% đảng viên đã được cài đặt App "Sổ tay điện tử đảng viên tỉnh Yên Bái” trên điện thoại thông minh của mình để xem tài liệu kỳ họp và tác nghiệp các nội dung sinh hoạt theo sự điều hành của bí thư chi bộ. Quá trình sinh hoạt cho thấy, về cơ bản công tác điều hành và tổ chức sinh hoạt trên nền tảng "Sổ tay điện tử đảng viên” đã được Chi bộ triển khai đầy đủ, thông suốt, được toàn thể đảng viên hưởng ứng và đánh giá cao, hơn nữa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp sổ tay điện tử đảng viên tích hợp cả tính năng sinh hoạt trực tuyến, giúp đảng viên sinh hoạt được thuận lợi hơn.
Ông Hoàng Minh Tiến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Yên Bái cho biết: "Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái có chủ trương thí điểm đối với tất cả 11 chi đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Đảng ủy khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Đảng bộ thành phố Yên Bái và Đảng bộ huyện Văn Yên thời gian thí điểm chúng tôi được giao đến 31/5 của năm 2022, trong giai đoạn thì Ban Tổ chức Tỉnh ủy được giao là cơ quan chủ trì thí điểm, kèm theo đó là trách nhiệm của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông được giao triển khai hỗ trợ về mặt công nghệ hướng dẫn sử dụng nền tảng, cũng như là hướng dẫn các lớp tập huấn ứng dụng”.
Thực tế, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái đã triển khai "Sổ tay điện tử đảng viên tỉnh Yên Bái”: "Chi bộ Sở Thông tin và Truyền thông là chi bộ đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai thí điểm trên nền tảng sổ tay đảng viên điện tử, đến nay chúng tôi có 3 buổi sinh hoạt cả định kỳ, cả đột xuất sử dụng nền tảng sổ tay đảng viên điện tử của tỉnh Yên Bái. Cho đến bây giờ sau 3 buổi sinh hoạt thì có thể chia sẻ việc sử dụng sổ tay đảng viên điển tử rất là hiệu quả, rất là có ích, đảng viên đến dự họp được nhận thông báo qua tin nhắn qua nền tảng, đảng viên dến dự họp được gửi văn bản trước từ đó phát biểu có chất lượng hơn tại cuộc họp, cuộc họp bây giờ không in giấy, không in nghị quyết ngoại trừ văn bản mật, sau khi kết thúc cuộc họp nghị quyết được phổ biến cập nhật trên nền tảng sổ tay đảng viên điện tử giao nhiệm vụ cho các chi ủy thực hiện”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Yên Bái chia sẻ thêm.
Hiện nay, các công việc triển khai bao gồm tiếp nhận xử lý thông tin, triển khai cài đặt ứng dụng; tiếp nhận xử lý thông tin, triển khai cài đặt ứng dụng; cập nhật dữ liệu, thông tin, hướng dẫn sinh hoạt đảng; triển khai cập nhật văn bản của Tỉnh ủy, Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và công tác tuyên truyền; tổ chức tập huấn tại các đơn vị thí điểm và tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm đang tích cực triển khai. Theo Kế hoạch, nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái" sẽ được triển khai thí điểm tại 11 tổ chức Đảng (Đại diện cho các tổ chức đảng trong cơ quan hành chính, sự nghiệp; doanh nghiệp; xã, phường).
(Theo DN&KTX)