Thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện vùng cao Mù Cang Chải đã và đang tập trung triển khai thực hiện CĐS toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhằm từng bước xây dựng mô hình chính quyền số, công dân số.
Cùng với các địa phương trong tỉnh, các trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải thực hiện chuyển từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hình thức dạy học này cũng giúp giáo viên, học sinh làm quen và tăng cường hơn các kỹ năng công nghệ thông tin (CNTT), thích ứng với những hình thức học tập mới của giáo dục tiên tiến trong thời đại công nghệ 4.0.
Hiện nay, hầu hết giáo viên trên địa bàn huyện sử dụng thành thạo các nền tảng dạy học trực tuyến, các ứng dụng CNTT vào dạy học và khai thác tốt nguồn học liệu điện tử… Hiện tại, các trường học trên địa bàn huyện đã có 8 lượt kết nối với trường kết nghĩa thuộc thành phố Yên Bái để dạy học trực tuyến với trên 800 học sinh tham gia.
Ông Nguyễn Anh Thủy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết: "Thực hiện mục tiêu CĐS của huyện giai đoạn 2021 - 2025, ngành giáo dục huyện đang tập trung CĐS trên lĩnh vực quản lý nhà nước như việc tăng cường sử dụng các phần mềm quản lý giáo dục chủ yếu như: phần mềm cơ sở dữ liệu ngành
https://csdl.moet.gov.vn/; phần mềm quản lý trường học, sổ điểm liên lạc điện tử
https://vnedu.vn/; phần mềm phổ cập giáo dục
http://pcgd.moet.gov.vn/; phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ; Cổng thông tin điện tử của ngành:
http://pgddtmucangchai.edu.vn/... đã được triển khai tại 37/37 đơn vị trường mầm non, tiểu học và THCS”.
Theo đó, ngành giáo dục huyện Mù Cang Chải đã hoàn tất việc số hóa, gắn mã định danh cho các đơn vị trường học để tiện lợi cho việc quản lý giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình...
Trong lĩnh vực y tế đang triển khai sâu rộng và hiệu quả các phần mềm chuyên ngành cơ bản. Đặc biệt là trong thời gian qua, đã triển khai các phần mềm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 như: sổ sức khỏe điện tử; PC-Covid; quản lý mã QRcode cá nhân; phần mềm quản lý F0 tại nhà...
Để triển khai thực hiện tốt lộ trình CĐS trên địa bàn, huyện đã ban hành các văn bản, nghị quyết về CĐS giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu cơ bản đến năm 2025, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.
Từ thực tế của địa phương như hạ tầng CNTT chưa được đầu tư đồng bộ, cơ sở vật chất - thiết bị còn thiếu; chất lượng đường truyền chưa ổn định; hệ thống mạng Internet chủ yếu mới đến trung tâm UBND các xã; trên địa bàn huyện hiện còn 8 bản chưa có sóng di động băng rộng, 19 bản chưa có điện lưới quốc gia..., UBND huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với các doanh nghiệp Viễn thông tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng CNTT làm cơ sở cho việc triển khai các ứng dụng quản lý, điều hành chung của cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở; thúc đẩy các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn sử dụng các ứng dụng giao dịch điện tử, thanh toán điện tử…
Trong quý II/2022, huyện triển khai thí điểm lắp đặt mạng Wifi miễn phí tại 3 điểm du lịch (điểm Mâm xôi - xã La Pán Tẩn, đồi Móng ngựa - xã Mồ Dề và trung tâm thị trấn Mù Cang Chải); trong tháng 5/2000, triển khai thí điểm sử dụng phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử”.
Theo ông Trịnh Thế Bình - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện: UBND huyện đã xây dựng kế hoạch CĐS đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực ưu tiên dựa trên ba trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt, huyện sẽ ưu tiên một số lĩnh vực như: y tế, giáo dục, nông nghiệp, kế hoạch - tài chính - ngân hàng; sản xuất công nghiệp và thương mại, văn hóa - du lịch...
Hồng Duyên