Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đang trong quá trình thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy sự liên kết, hợp tác, do đó chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn và cấp thiết. Trong quá trình này, các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ và thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể đổi mới hoạt động.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 8/11 tại Hà Nội.
Báo chí tuyên truyền mạnh mẽ về kinh tế tập thể
Trong 20 năm qua, nhờ hàng trăm nghìn tin, bài phản ánh, phân tích, chương trình phát thanh, truyền hình của các cơ quan báo chí chủ lực như Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và hàng trăm cơ quan báo chí, các chủ trương, chính sách về kinh tế tập thể đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi. Không chỉ nhận thức xã hội về kinh tế tập thể, hợp tác xã được nâng cao mà nhiều bất cập được báo chí nhận diện, nhiều khó khăn được báo chí góp phần tham mưu tháo gỡ.
Ngày nay, khi tìm kiếm trên công cụ Google với từ khóa "Kinh tế tập thể” và "Hợp tác xã” cho ra hàng trăm nghìn và hàng triệu kết quả. Điều đó phần nào cho thấy mức độ truyền thông mạnh mẽ của báo chí trong lĩnh vực quan trọng này.
Ông Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết hơn 20 năm trước khi nhiều hạn chế, yếu kém của kinh tế tập thể bộc lộ và tâm lý hoài nghi, mặc cảm với mô hình hợp tác xã kiểu cũ trong xã hội còn khá phổ biến thì báo chí đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, phân tích lợi ích của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Báo chí đã tuyên truyền các mô hình hợp tác xã kiểu mới, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực vùng miền hiệu quả; phát hiện những cách làm hay, điển hình tiên tiến; tìm tòi, phổ biến kinh nghiệm, giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên thế giới và khu vực. Từ đó, báo chí góp phần tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể và thay đổi, nâng cao nhận thức của nhân dân.
Đến nay, báo chí đã trở thành một trong những kênh thông tin hữu hiệu nhất trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Báo chí là cầu nối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và người tiêu dùng, giúp người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tìm đến với nhau, triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thông qua việc giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra.
"Nhờ thông tin báo chí, nhiều hợp tác xã đã bước đầu tận dụng được Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và các hiệp định tự do thương mại khác, mở ra con đường đưa sản phẩm Việt Nam đến EU và nhiều thị trường quan trọng của thế giới,” ông Lê Quốc Minh nói.
Theo ông Lê Quốc Minh, không dừng lại ở việc tuyên truyền chủ trương, chính sách mà nhiều khó khăn, vướng mắc của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã được báo chí đi sâu, phản ánh trung thực, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Chuyển đổi số tại hợp tác xã còn chậm
Theo khảo sát của Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh, đến cuối tháng 6/2022, có 83,5% số hợp tác xã được khảo sát cho rằng việc chuyển đổi số là cần thiết, 18,9% hợp tác xã đã có kế hoạch chuyển đổi số, 68% hợp tác xã sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán hàng trực tuyến.
Hiện nay, nhiều hợp tác xã nông nghiệp, công nghiệp, thương mại ứng dụng kỹ thuật số để truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đa dạng hoá sản phẩm và kênh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu (FaceBook, Zalo, Fanpage, Group, Shopee, Sendo, Tiki, Ladaza, Voso, Postmart...). Ngân hàng Hợp tác Việt Nam và các quỹ tín dụng nhân dân cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong cung ứng dịch vụ ngân hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số làm thay đổi so với phương thức quản trị truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã diễn ra chậm; có khoảng 50% số hợp tác xã được khảo sát chưa có định hướng và kế hoạch chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng thông tin của phần lớn hợp tác xã ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số…
Để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kiến nghị giao cho hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện một số chương trình như chuyển đổi số, đào tạo cán bộ quản trị hợp tác xã, đào tạo nghề cho người lao động và thành viên hợp tác xã, kiểm toán hợp tác xã, xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành hướng dẫn về chuyển đổi số cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo ngành, lĩnh vực mà các bộ, ngành, địa phương quản lý.
Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh: "Báo chí với vai trò định hướng tư tưởng xã hội sẽ nỗ lực tuyên truyền để các hợp tác xã hiểu rõ hơn những khó khăn, thuận lợi và trên hết là lợi ích mà chuyển đổi số mang lại trong sản xuất, kinh doanh, từ đó thay đổi nhận thức, tư duy, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số”.
(Theo Vietnam+)