Cũng như cả nước, những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Yên Bái phải đối mặt nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng trong bối cảnh đầy thách thức đó, làn sóng chuyển đổi số (CĐS) trong doanh nghiệp (DN) được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành (huyện Yên Bình) cho biết: Những năm gần đây, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt là trong sản xuất, kinh doanh (SXKD).
Để hoạt động SXKD có hiệu quả, tiết kiệm được nhiều chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tạo ra nhiều lợi ích cho xã hội, Công ty cổ phần Yên Thành có kế hoạch cụ thể cho quá trình CĐS trong mọi hoạt động từ quản trị DN, quản lý nghiệp vụ, chế biến, chế tạo, sản xuất sản phẩm, quảng bá thương hiệu, bán hàng, tham gia chuỗi giá trị...
Công ty đã ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động SXKD như: tham gia gian hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), ứng dụng phần mềm kế toán, khai báo thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội, chữ ký số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Để phục vụ nhu cầu của DN và người dân, tỉnh đã tập trung phát triển chính quyền điện tử, hạ tầng chính quyền số trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet.
Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có trên 2.000 DN, hợp tác xã tham gia sử dụng dịch vụ khai, nộp thuế điện tử, đạt tỷ lệ 99%. Bình quân hàng năm, các DN thực hiện 11.000 giao dịch điện tử với số tiền nộp thuế từ 1.600 - 1.800 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 4.100 DN, tổ chức kinh tế và hộ cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử.
Trong quá trình SXKD, cộng đồng DN, doanh nhân đặc biệt quan tâm đầu tư đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất, thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản phẩm hàng hóa của nhiều DN đã được khẳng định về uy tín, chất lượng, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, xây dựng, phát triển, nâng cấp các hệ thống phần mềm hiện có để khai thác, sử dụng có hiệu quả các nền tảng số, dịch vụ, tiện ích chung của tỉnh.
Trong đó, các đơn vị đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo đơn vị; ứng dụng trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ; trong công tác quản lý, theo dõi khách hàng…
Điển hình như: Công ty cổ phần Cấp nước và Xây dựng Yên Bái thực hiện ứng dụng Văn phòng điện tử, hợp đồng điện tử đi vào hoạt động tương đối ổn định. Hiện nay, Công ty thực hiện 100% hợp đồng điện tử với khách hàng lắp đặt mới; số khách hàng thanh toán tiền nước bằng chuyển khoản chiếm 55%, 100% khách hàng là cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thanh toán không dùng tiền mặt…
Công ty Điện lực Yên Bái quản lý, kinh doanh dịch vụ khách hàng trên chương trình phần mềm CMIS 3.0; đồng thời, đưa vào vận hành 13 hệ thống đo xa phục vụ đo đếm cho khách hàng và đo đếm các trạm biến áp đầu nguồn - chuyên dùng; thực hiện 100% cấp điện và các dịch vụ điện theo phương thức điện tử và trực tuyến cấp độ 4 qua các website chăm sóc khách hàng, dịch vụ công quốc gia…
Thời gian qua, tỉnh Yên Bái tập trung phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, dẫn dắt CĐS của địa phương, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số. Theo đó, tỉnh đã đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả Trung tâm Tích hợp dữ liệu điện tử tỉnh, Trung tâm Giám sát an ninh không gian mạng tỉnh, Mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước tại 408 điểm; nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh..., đặc biệt là Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Cùng đó, tỉnh cũng có nhiều hỗ trợ để phát triển kinh tế số DN như: tập huấn, đào tạo; hỗ trợ DN nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS phục vụ SXKD; ký cam kết với các DN công nghệ số về việc hỗ trợ DN Yên Bái trong việc ứng dụng các nền tảng, giải pháp công nghệ số vào hoạt động SXKD; hỗ trợ DN đăng ký thành viên và mở gian hàng trên các sàn TMĐT; hỗ trợ DN xây dựng website TMĐT hoặc tham gia giao diện thành viên trên các sàn TMĐT...
Đến nay, 100% DN trên địa bàn tỉnh đã áp dụng phương thức kinh doanh thông qua hoạt động điện tử và trang bị hoàn thiện hạ tầng cho TMĐT; 95% DN sử dụng thường xuyên thư điện tử trong hoạt động SXKD…
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có trên 1.200 DN nhỏ và vừa được hướng dẫn cập nhật thông tin nâng cao nhận thức về CĐS; tối thiểu 450 DN nhỏ và vừa được trải nghiệm các nền tảng CĐS DN; hỗ trợ tối thiểu 60 DN nhỏ và vừa triển khai các ứng dụng, giải pháp CĐS; phối hợp triển khai hỗ trợ khoảng 200 DN tham gia sử dụng đa dạng hoá các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Từ sự chủ động của DN và hỗ trợ của chính quyền, tin tưởng rằng, việc CĐS sẽ góp phần giúp DN phát triển bền vững, tạo thêm giá trị mới, thúc đẩy hiệu quả trong quản trị, gia tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN. Đó cũng là yếu tố góp phần đưa Yên Bái bứt phá về các chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính trong những năm tiếp theo.
Hồng Duyên