Lục Yên đột phá trong chuyển đổi số

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/6/2024 | 7:41:38 AM

YênBái - Nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng và chính quyền, huyện Lục Yên đã có những bước tiến mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số (CĐS), góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Cán bộ xã Lâm Thượng hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng YENBAI-S.
Cán bộ xã Lâm Thượng hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng YENBAI-S.


Bà Nông Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, huyện Lục Yên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai công tác CĐS. Các công văn đã đôn đốc và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng và xử lý văn bản trên môi trường điện tử. Đến nay, 100% lãnh đạo cơ quan, đơn vị và UBND cấp xã trở lên đã sử dụng thành thạo chữ ký số và các phần mềm công nghệ thông tin, đảm bảo 100% văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước”. 

Theo đó, huyện Lục Yên đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ thông tin. Đến nay, toàn bộ UBND các xã, thị trấn đã hoàn thành việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015. Các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa đều đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Hạ tầng mạng nội bộ từ UBND cấp xã trở lên được chuẩn hóa, đảm bảo an toàn thông tin tối thiểu, đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng. 

Trong năm 2023, huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức. Tổng cộng có 75 cán bộ tham gia tập huấn trực tuyến và 3 cán bộ tham gia diễn tập về an toàn thông tin tại tỉnh. 

Các tổ CĐS cộng đồng cấp xã và cấp thôn cũng được Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về kỹ năng số và công nghệ thông tin. Huyện đã cấp 800 tài khoản phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức; 120 tài khoản cho các cơ quan, đơn vị và xã, thị trấn. Việc gửi, nhận văn bản điện tử được triển khai theo trục liên thông các đơn vị trong huyện với cơ quan, ban ngành của tỉnh. 

Đồng thời, huyện hỗ trợ đưa 19 sản phẩm đạt OCOP và 5 sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ sò, việc triển khai hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử không chỉ là giải pháp đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã tham gia các sàn thương mại điện tử nhằm kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm mà còn hình thành các hộ sản xuất nông nghiệp số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn góp phần thực hiện thành công Chương trình CĐS quốc gia cũng như của tỉnh, huyện. 

Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, mạnh mẽ.

Trên địa bàn huyện Lục Yên hiện có hơn 61.000 người dân sử dụng các tài khoản ví điện tử như VNPT Money, Viettel Money, ZaloPay, Momo, VNPAY để thanh toán điện tử. Hàng năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn huyện đạt trên 2.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ thương mại điện tử đạt trên 200 tỷ đồng, chiếm 7,5% tỷ trọng trong tổng mức bán lẻ hàng hóa. 

Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ điện, nước trên địa bàn huyện đạt 73%. Hệ thống y tế và giáo dục trên địa bàn huyện cũng được nâng cấp và CĐS mạnh mẽ. 24/24 trạm y tế xã, thị trấn đã triển khai nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám, chữa bệnh. 

Các cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý trường học và ứng dụng E-learning, đáp ứng nhu cầu tự học và đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. Năm học 2022-2023, 100% các đơn vị trường học phổ thông triển khai giáo dục STEM trong dạy học, xây dựng kho học liệu số và áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. 

Có thể nói, với sự đầu tư mạnh mẽ và sự quyết tâm cao độ từ các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, huyện Lục Yên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác quản lý nhà nước và CĐS. Đến nay, 100% văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước được ký số thay thế văn bản giấy. 

Việc cập nhật các kiến thức về đảm bảo an toàn an ninh thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin đã được thực hiện thường xuyên. Các cơ quan, đơn vị đã ban hành quy định, quy chế về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với hệ thống thông tin tại cơ quan.

CĐS đã mang lại những thay đổi to lớn và tích cực cho huyện Lục Yên, từ việc cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số. Với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng, huyện Lục Yên đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong tiến trình hiện đại hóa và phát triển bền vững.

Anh Dũng

Tags Lục Yên chuyển đổi số đột phá

Các tin khác
Cán bộ Hội LHPN xã Bản Công hướng dẫn hội viên sử dụng phần mềm Capcut.

Sử dụng phần mềm Capcut để tạo ra các video trình chiếu hay, hấp dẫn, mang lại hiệu quả tích cực trong các buổi tuyên truyền, sinh hoạt, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Bản Công, huyện Trạm Tấu là một trong những Hội LHPN cơ sở ở vùng cao tích cực đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm đổi mới hoạt động Hội.

Người dùng tìm hiểu các dịch vụ thanh toán tại gian trải nghiệm của Visa trong Lễ hội Không tiền mặt 2024

Thanh toán không tiền mặt đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam, góp phần kiến tạo tương lai của nền kinh tế số, mang lại những tác động tích cực cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 3, từ trái sang) tặng quà động viên cán bộ kỹ thuật, nhân viên Viettel Yên Bái vượt khó hoàn thành xây dựng Trạm YBI0574 đúng tiến độ.

Từ giữa tháng 5, ba thôn cuối cùng của xã xa nhất tỉnh Yên Bái là Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải đã phủ sóng di động. Gọi được điện thoại nói chuyện, được nhìn thấy hình ảnh trực tiếp là ước mơ bao đời của người dân nơi đây đã trở thành hiện thực.

Chị Đoàn Thị Lương - HTX Chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương thực hành bán hàng trực tuyến khi tham gia khóa tập huấn kinh doanh trên nền tảng số.

Bắt nhịp xu hướng tiêu dùng mới, nhiều đơn vị, hợp tác xã (HTX) do người trẻ làm chủ trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt sử dụng các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội để giới thiệu và bán sản phẩm, góp phần giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm và gia tăng doanh thu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục