Yên Bái đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/7/2016 | 9:33:50 AM
YBĐT - Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (KHCN) nói chung, phát triển thị trường KHCN nói riêng, đã có nhiều đổi mới và thu được kết quả đáng khích lệ.
Đoàn kiểm tra của Sở Khoa học và Công nghệ, kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh.
|
Thị trường KHCN đã bước đầu được hình thành, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo động lực để các thành phần kinh tế cùng tham gia hoạt động nghiên cứu, tổ chức ứng dụng KHCN vào sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Ông Trần Ngọc Thư - Phó giám đốc Sở KHCN cho biết, thực hiện Luật KHCN, các Nghị định Chính phủ và Thông tư của Bộ KHCN cũng như Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KHCN đến năm 2020, Sở KHCN đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò của KHCN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hàng năm, Sở đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, đưa mục tiêu, nhiệm vụ về KHCN vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KHCN tiên tiến vào sản xuất.
Công tác xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật về KHCN được quan tâm. Sở KHCN đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1750/QĐ-UBND ngày 21/11/2013 về việc phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển KHCN của tỉnh Yên Bái đến năm 2020 và nhiều quyết định liên quan đến quản lý Nhà nước về phát triển thị trường KHCN...
"Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các thành phần kinh tế cùng tham gia hoạt động nghiên cứu, tổ chức ứng dụng KHCN vào sản xuất” - ông Thư nói.
Công tác hướng dẫn, hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển thị trường; hướng dẫn bàn giao quyền sử dụng các kết quả, sản phẩm nhiệm vụ KHCN; các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ... được đẩy mạnh và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhằm đẩy mạnh các hoạt động về công nghệ, hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KHCN trên địa bàn tỉnh và giúp các địa phương, các doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng, khai thác và phát triển thị trường KHCN.
Sở KHCN đã tiến hành điều tra đánh giá trình độ công nghệ sản xuất 60 doanh nghiệp thuộc ngành chế biến chè và gỗ trên địa bàn tỉnh; có văn bản gửi UBND các huyện, thị, thành phố, các sở ban ngành trong tỉnh về việc tăng cường sự phối hợp và hướng dẫn thủ tục hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, đăng ký xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn theo đúng quy định.
Trong 7 năm (2009 - 2015) thông qua nguồn vốn sự nghiệp KHCN được cân đối hàng năm, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ hơn 6,9 tỷ đồng cho 55 doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ. Vì vậy, nhiều hoạt động về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, công nghệ, sử dụng công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng đã được các doanh nghiệp triển khai đồng bộ.
Cùng với các hoạt động về công nghệ, hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển thị trường KHCN, Sở KHCN đã đẩy mạnh công tác chuyển giao, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản suất và đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Trong 2 năm qua, Sở KHCN đã tổ chức 2 hội nghị bàn giao kết quả thực hiện 130 nhiệm vụ khoa học cho các sở, ban, ngành liên quan; các đơn vị, địa phương thuộc các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, công nghiệp, khoa học xã hội, y tế... để quản lý khai thác, sử dụng kết quả các nhiệm vụ khoa học vào phát triển sản xuất, kinh doanh và các hoạt động chuyên môn của đơn vị.
Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sau 5 năm tham gia thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, số lượng đơn, văn bằng chứng nhận bảo hộ tăng nhanh trên 5 lĩnh vực (nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp).
Cùng với đó, hoạt động thông tin tuyên truyền về lĩnh vực sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp đã coi trọng việc phát triển tài sản trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Trong năm 2015, thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh đã thực hiện triển khai 4 dự án về xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 4 sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương gồm: nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm quả sơn tra của huyện Mù Cang Chải và sản phẩm bưởi quả của xã Đại Minh, huyện Yên Bình; nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cam của huyện Văn Chấn và huyện Lục Yên với tổng kinh phí 940 triệu đồng...
Kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước về KHCN nói chung, phát triển thị trường KHCN nói riêng, đã tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và là động lực để các thành phần kinh tế cùng tham gia hoạt động nghiên cứu, tổ chức ứng dụng KHCN vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong tỉnh.
Minh Hằng
Các tin khác
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nam Phi Naledi Pandor ngày 21/7 cho biết Nam Phi ủng hộ việc thành lập các nhà máy sản xuất thuốc điều trị căn bệnh HIV/AIDS ở trong nước và ngừng phụ thuộc vào các công ty dược phẩm đa quốc gia bên ngoài đối với loại thuốc đặc trị này.
YBĐT - Sáng 21/7, tại Yên Bái, Vụ Công nghệ thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế khẳng định đã phát hiện 104 hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời trong sứ mệnh K2 của đài quan sát vũ trụ Kepler. Trong số đó, 4 hành tinh hứa hẹn có bề mặt tương tự như Trái đất.
Những trang web này có giao diện gần giống với trang chính thức của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) nhưng người truy cập có thể bị mất tài khoản, phát tán virus vào máy...