Yên Bình nhân rộng các mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học
- Cập nhật: Thứ năm, 22/9/2016 | 7:00:50 AM
YBĐT - Góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, Trạm Khuyến nông huyện Yên Bình đã tìm kiếm các giải pháp mới mang tính đột phá theo hướng sản xuất nông nghiệp sinh thái ít cần đến sự can thiệp của các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam (thứ 3 bên trái) thăm đồi chè ứng dụng chế phẩm EMINA tại huyện Yên Bình.
|
Thông qua các hội thảo khoa học, các phương tiện thông tin đại chúng, các tài liệu tham khảo, đơn vị đã lựa chọn giải pháp sử dụng chế phẩm sinh học EMINA trong sản xuất trồng trọt và chăn nuôi.
EMINA là chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu do Viện Sinh học Nông nghiệp - Học viện Nông nghiệp Việt Nam phân lập và sản xuất theo kết quả của một dự án cấp bộ. Chế phẩm này đã được Cục Chăn nuôi công nhận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới năm 2010 và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép vào danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường năm 2013.
Sử dụng các loài vi sinh vật có lợi như vi khuẩn Lacto (dùng sản xuất sữa chua), vi khuẩn Bacillus (men tiêu hóa) và nấm men Saccharomyces (men rượu), EMINA khi vào môi trường làm lệch cân bằng theo hướng có lợi cho con người, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng và vật nuôi phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với sâu bệnh và điều kiện bất lợi, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đầu năm 2014, Trạm Khuyến nông huyện Yên Bình đã phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm EMI Nhật Bản thử nghiệm ứng dụng chế phẩm sinh học EMINA trong việc phòng chống bệnh chảy gôm và nâng cao hiệu quả kinh tế trên cây bưởi tại xã Đại Minh. 5 hộ tham gia thử nghiệm với diện tích 2,1 ha đến nay cho hiệu quả rõ rệt so với trước khi sử dụng chế phẩm này: quả bưởi to hơn, vỏ quả bóng đẹp và không bị các nốt chấm, vị ngọt hơn, không bị vàng lá, cây không bị rêu bám, đặc biệt là đã trị được bệnh chảy gôm. Nhờ vậy, giá trị kinh tế mà các hộ thu về qua các năm đều tăng.
Từ mô hình đầu tiên này, Trạm Khuyến nông huyện Yên Bình tiếp tục phối hợp tổ chức 5 lớp tập huấn cho 510 hộ nông dân, tặng chế phẩm EMINA cho bà con dùng thử trên địa bàn 4 xã: Vĩnh Kiên, Yên Bình, Vũ Linh, Bạch Hà.
Sau đó, Trạm tiếp tục tổ chức 18 lớp tập huấn, tặng sản phẩm cho 1.500 hộ sử dụng thử chế phẩm ở 15 xã đồng thời tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn. Tháng 4 năm 2016, Trạm cử cán bộ cùng với Công ty cổ phần Thực phẩm EMI Nhật Bản tham gia Chương trình “Sáng tạo Việt” với nội dung “Thương mại hóa sáng chế ứng dụng chế phẩm EMINA trên chè và bưởi sạch” đạt giải Đặc biệt được phát sóng vào ngày 14/8/2016 trên kênh VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Đối với các mô hình mở rộng, hiện trên địa bàn huyện Yên Bình có 6 hộ sử dụng chế phẩm EMINA trên cây ăn quả có múi ở xã Đại Minh, Mỹ Gia, Hán Đà cho hiệu quả cao trong phòng trị bệnh chảy gôm, bệnh vàng lá thối rễ, bệnh rêu, bệnh rỉ sắt đốm nâu, hạn chế sâu vẽ bùa, chống rụng hoa và quả non...
Trên cây thanh long ở 4 hộ của xã Mỹ Gia, Bạch Hà, Cảm Nhân có tác dụng tốt phòng trị bệnh đốm nâu trên thân cành, nấm tắc kè trên quả, quả mọng, sáng và ngọt hơn; 2 hộ ở xã Yên Bình, Văn Lãng ứng dụng trên cây chè cho hiệu quả cao trong việc phòng trị bệnh tóc đen, bệnh đốm nâu, phồng lá chè, hạn chế rầy, ngăn ngừa nấm bệnh, phân hủy chất hữu cơ ngăn ngừa sự hình thành khí độc, làm lá sáng bóng, cây khỏe, bộ rễ và tán lá phát triển, giảm tỷ lệ búp mù, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; 2 hộ ứng dụng trên cây lúa tại xã Bạch Hà, Cảm Nhân giúp phòng trị bệnh đạo ôn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn ở giai đoạn ôm đòng đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, mô hình ứng dụng chế phẩm EMINA trong chăn nuôi lợn thịt ở 2 hộ tại thị trấn Thác Bà và xã Yên Bình với việc sử dụng chế phẩm ủ thức ăn đã giảm 40% chi phí thức ăn so với chăn cám ăn thẳng, chất lượng thịt thơm ngon, khử mùi hôi chuồng trại.
Dù còn những hạn chế nhất định song việc ứng dụng chế phẩm sinh học EMINA trong thời gian qua đã bước đầu cho hiệu quả cao, người nông dân áp dụng và nhiệt tình hưởng ứng tham gia xây dựng các mô hình là tiền đề quan trọng nhân rộng trên địa bàn huyện Yên Bình. Yên Bình quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, thực trạng phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu dựa vào hóa chất có xu hướng ngày càng lệ thuộc. Từ năm 1985 đến năm 2008, diện tích gieo trồng cây nông nghiệp chỉ tăng 62,1% trong khi lượng phân bón hóa học được sử dụng tăng tới 436,8%. Ngoài ra, lượng hóa chất bảo vệ thực vật năm 1985 khoảng 6.500 tấn/năm thì đến năm 2014 là 100.000 tấn, tăng gấp 15,3 lần sau chưa đầy 30 năm. Kết quả tất yếu của hoạt động này đã phá vỡ cân bằng sinh thái, hủy hoại hệ vi sinh vật đất, dẫn tới mất cân bằng vi sinh vật theo hướng không có lợi cho con người và các đối tượng nông nghiệp cũng như phát sinh thêm nhiều dịch hại cần tới sự can thiệp nhiều hơn của các loại hóa chất độc hại khác. Vì vậy, các nông sản tạo ra ngày càng ít an toàn hơn, chất lượng thấp hơn, chưa kể các tác động gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. |
Nguyễn Thơm
Các tin khác
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa công bố các hạng mục được tài trợ và hướng dẫn cách xây dựng hồ sơ để được Dự án FIRST tài trợ trong giai đoạn 2.
Sáng 20-9, Bệnh viện Đà Nẵng đã triển khai ca đầu tiên ghép tế bào gốc điều trị chấn thương tủy sống.
Ngày 16/9, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thông báo các số liệu thống kê cho thấy tháng Tám vừa qua được ghi nhận là tháng nóng nhất từ trước đến nay và điều này đồng nghĩa 2016 đang là năm nóng kỷ lục.
Vào 22 giờ - giờ địa phương (tức 21 giờ - giờ tối giờ Hà Nội) ngày 15/9, Trung Quốc đã phóng trạm vũ trụ thứ hai có tên là Thiên Cung 2 (Tiangong-2) từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi.