Sự cố cáp quang biển: Thuê bao internet bị ảnh hưởng nặng nề
- Cập nhật: Thứ bảy, 14/1/2017 | 8:17:38 AM
Lần đầu tiên, gần như cùng lúc các tuyến cáp quang biển kết nối internet Việt Nam đi quốc tế đều gặp sự cố, khiến cho mạng internet trong nước, đặc biệt là của Viettel bị chập chờn, thậm chí có những thời điểm không kết nối được. Rất nhiều thuê bao đã bày tỏ bức xúc vì không truy cập được internet...
Sửa chữa đường cáp quang quốc tế dưới lòng biển.
|
Chị Thanh Hương (ngõ 12, phố Đào Tấn, quận Ba Đình), một thuê bao internet cáp quang của Viettel cho biết, từ chiều tối 11-1, gia đình chị không vào được mạng internet, dù modem wifi vẫn hoạt động. "Cháu lớn nhà tôi đang luyện thi tiếng Anh qua mạng IOE, nên tôi phải mua sim điện thoại 3G để cho cháu kịp thời ôn luyện" - chị chia sẻ.
Còn theo chị Thanh Hà (ở ngõ 41, phố Thái Hà, quận Đống Đa) cũng là thuê bao internet cáp quang của Viettel, từ trước ngày 11-1, việc truy cập mạng đã rất khó khăn, đến chiều tối ngày 11-1 thì hoàn toàn không truy cập được. Sang các ngày 12 và 13-1 có đỡ hơn, nhưng vẫn chập chờn. Do công việc thường xuyên phải cập nhật thông tin qua internet nên chị phải sử dụng nhờ wifi của hàng xóm, là thuê bao của VNPT. Cũng theo chị Thanh Hà, từ tháng 10-2016 đến nay, thuê bao internet đã 2-3 lần bị "đứt" liên lạc, trong đó có nguyên nhân ảnh hưởng từ việc thanh thải dây, cáp thông tin.
Một thuê bao internet cáp quang của Viettel ở khu vực Núi Trúc (quận Ba Đình) cho biết, 3-4 ngày nay cũng không truy cập được internet và phải sử dụng mạng 3G để giải quyết công việc. Và đó chỉ là vài ý kiến trong số rất nhiều phản ánh của người dùng về sự cố không truy cập mạng intenet của Viettel trong mấy ngày qua.
Trong thông tin gửi Báo Hànộimới, đại diện Tập đoàn Viettel cho biết, việc thuê bao internet của Viettel bị gián đoạn là do các tuyến cáp quang biển quốc tế mà nhà mạng này khai thác gặp sự cố. Cụ thể, tuyến APG (vừa đưa vào sử dụng tháng 12-2016) bị 2 sự cố đồng thời ngày 31-12-2016 tại Singapore và Trung Quốc, dẫn tới mất lưu lượng đi Singapore; dự kiến ngày 23-1 mới khắc phục xong. Tiếp đó, đến ngày 8-1, tuyến AAG bị sự cố dẫn tới mất lưu lượng từ Việt Nam đi Hong Kong (Trung Quốc), Singapore và Mỹ; dự kiến ngày 28-1 sẽ sửa chữa xong. Đến ngày 10 và ngày 11-1, tuyến IA (hiện chỉ có duy nhất Viettel khai thác) bị sự cố tại nhánh đi Hồng Kông và nhánh đi Singapore; hiện chưa có lịch sửa chữa từ ban quản lý tuyến cáp.
Đại diện Viettel cũng cho biết, đây là lần đầu tiên xảy ra việc cả 3 tuyến cáp quang biển quốc tế kết nối vào Việt Nam (gồm AAG, APG và IA) đều gặp sự cố nghiêm trọng. Hiện, Viettel còn 2 hướng kết nối quốc tế qua đất liền và một hướng qua APG nhánh đi Hồng Kông. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Viettel đã triển khai giải pháp kỹ thuật cứu, định tuyến kết nối, bảo đảm 100% chất lượng cho các dịch vụ sử dụng lưu lượng quốc tế, như: 3G, thuê kênh, roaming, VoIP, internet có các nội dung Google đã được lưu trữ tại hệ thống máy chủ đặt ở Việt Nam và một phần lưu lượng cho dịch vụ cố định. Bên cạnh đó, Viettel cũng nhanh chóng đẩy lưu lượng cache (lưu trữ dữ liệu) cho gần 100 server của facebook đã được lắp đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; đồng thời, triển khai phương án bổ sung kết nối quốc tế, với gần 300Gbps, cho các nhánh APG đi Hong Kong, Nhật Bản và hướng đất liền qua Trung Quốc; tìm phương án kết nối chéo qua các hướng khác như Lào, Campuchia. Dự kiến, 2 ngày nữa, khách hàng của Viettel có thể sử dụng dịch vụ quốc tế bình thường.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Xuất phát từ thực tế là bệnh ung thư có xu hướng ngày càng gia tăng, thuốc điều trị ung thư phải nhập ngoại 100%, trong nước chưa có nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư, do đó từ năm 2008, Công ty cổ phần Dược- Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) đã triển khai nghiên cứu bào chế thuốc điều trị ung thư.
Thông tấn ABC đưa tin, một loại thuốc có thể làm “tan chảy” tế bào ung thư đã được chứng nhận điều trị trên người ở Australia
YBĐT - Theo dự báo khí hậu thời tiết tháng 1 là tháng của các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh nhất trong năm, gây ra những đợt rét đậm, rét hại kéo dài.
Từ tuần tới (11-1), Na Uy sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ngừng sử dụng công nghệ phát thanh bằng sóng FM, chuyển sang hoàn toàn công nghệ phát thanh kỹ thuật số.