Công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc đầu tiên của Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ bảy, 9/6/2018 | 8:33:15 AM

Viện Tế bào gốc (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM) vừa chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc điều trị bệnh thoái hóa khớp và đĩa đệm cột sống. Đây là sản phẩm thuốc tế bào gốc đầu tiên do Việt Nam nghiên cứu sản xuất.

Không gian nghiên cứu tại Viện Tế bào gốc.
Không gian nghiên cứu tại Viện Tế bào gốc.

Thuốc tế bào gốc Cartilatist là sản phẩm chứa tế bào gốc sống, được bảo quản đông lạnh, có thể rã đông và tiêm ngay vào khớp hay đĩa đệm của bệnh nhân.

Bắt đầu từ năm 2012, PGS.TS Phạm Văn Phúc và nhóm nghiên cứu ở Viện bắt đầu nghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm Cartilatist, năm 2016 hoàn thiện rồi chuyển sang giai đoạn đánh giá chất lượng.

Vừa qua, Viện đã chuyển giao độc quyền công nghệ này cho Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (quận 10, TP HCM) trong 10 năm.

Theo kế hoạch, sản phẩm sẽ được sản xuất quy mô lớn vào năm 2019, đánh giá lâm sàng vào năm 2020-2021.

"Khi sản xuất quy mô lớn, chất lượng sản phẩm ổn định qua các mẻ, điều kiện tiên quyết cho hiệu quả điều trị ổn định, đồng thời giá thành sẽ giảm đáng kể. Nhóm nghiên cứu hi vọng công nghệ này sẽ phù hợp cho số đông bệnh nhân" - PGS.TS Phạm Văn Phúc cho biết.

Tùy bệnh, tùy loại tế bào mà cơ chế tế bào gốc tác động lên bệnh rất khác nhau. Song, ưu điểm lớn nhất của việc điều trị tế bào gốc đến nay được ghi nhận là tác dụng không mong muốn thấp hơn các phương pháp truyền thống.

"Thuốc tế bào gốc là thế hệ thứ 3 của sản phẩm tế bào gốc ứng dụng trên người. Hiện nay không nhiều quốc gia làm chủ được công nghệ này. Chỉ có khoảng 10 sản phẩm thuốc tế bào gốc được cấp phép lưu hành, ứng dụng trên người khắp thế giới" - PGS. TS Phúc khẳng định. "Đây là sản phẩm thuốc tế bào gốc đầu tiên do Việt Nam nghiên cứu, phát triển và sản xuất".

Cụ thể, thế hệ 1 là ghép hỗn hợp giàu tế bào gốc mà 90% các cơ sở ghép tế bào gốc ở Việt Nam đang sử dụng. Thế hệ 2 là ghép tế bào gốc tinh sạch khoảng 10% các cơ sở còn lại đang làm. Thế hệ 3 là thế hệ tế bào gốc đồng loài, quy mô lớn gọi là thuốc tế bào gốc. Cartilatist là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam.

Viện Tế bào gốc cũng đang hoàn thiện nhiều sản phẩm mới như Modulatist ứng dụng điều trị tự miễn, viêm mạn tính; Vasculatist ứng dụng trong điều trị tắc nghẽn mạch máu; Bonetist ứng dụng điều trị các bệnh lí về xương; Liverist ứng dụng điều trị viêm gan giai đoạn mất bù; Kidist ứng dụng trong điều trị suy thận mạn; dòng sản phẩm mỹ phẩm công nghệ tế bào gốc BabyEver như StemActive, Micropierce do Viện sáng chế.

Trước đó, Viện Tế bào gốc thực hiện đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về công nghệ điều trị đái tháo đường, kết hợp thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh theo giấy phép của Bộ Y tế.
 
(Theo HNMO)

Các tin khác

Ngày 8-6, tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, các cuộc không kích nhằm vào một ngôi làng ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria khiến ít nhất 38 người thiệt mạng và 50 người khác bị thương.

Xét nghiệm máu có thể dự báo phụ nữ mang thai sinh non.

Các nhà nghiên cứu Mỹ và Đan Mạch đã tìm ra phương pháp xét nghiệm máu chi phí thấp nhưng có thể dự báo chính xác đến 80% nguy cơ phụ nữ mang thai sinh non. Kết quả nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Khoa học ngày 7/6.

Tiến sỹ Steve Swioklo (trái) và giáo sư Che Connon với giác mạc được in 3D.

Lần đầu tiên trên thế giới, một nhóm các nhà khoa học Anh đã ứng dụng thành công công nghệ in 3D để tạo ra giác mạc có thể cấy ghép trên người.

Chuyển đổi SIM 11 số thành 10 số: 60 triệu thuê bao di động bị ảnh hưởng.

Ngày 29-5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin-Truyền thông (TT-TT) họp báo công bố thông tin về việc chuyển đổi mã mạng từ 11 số thành 10 số. Tại buổi họp báo, đại diện các doanh nghiệp viễn thông vẫn chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể để hỗ trợ các thuê bao khi chuyển đổi các đầu số.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục